(BVPL) - Đó là nhận xét của ông Đinh Xuân Thảo (ảnh) Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 26/11.
- Được biết, ngày 28/11, Quốc hội ấn nút thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông, trong quá trình thảo luận cũng như tiếp thu ý kiến nhân dân, những vấn đề nào nhận được nhiều sự quan tâm và cần sự thống nhất cao?
- Qua quá trình thảo luận, lần cuối cùng vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau cần lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội để có tính thống nhất cao, trong đó có lĩnh vực kinh tế và tổ chức bộ máy, tập trung vào chương Chính quyền địa phương.
Điểm còn ý kiến khác nhau là mô hình chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi quy định như thế nào để đảm bảo phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Vấn đề này sẽ được xử lý theo hướng mở.
Còn đối với vấn đề kinh tế: điểm mới là nhập chương kinh tế trước đây ở Chương 2 với Chương 3 thành một chương, trước đây chương kinh tế quy định rất dài, nhiều điều, cụ thể. Chúng ta đều biết, kinh tế là lĩnh vực luôn luôn vận động, nếu quy định càng cụ thể bao nhiêu thì sẽ mang tính lạc hậu bấy nhiêu. Cho nên để đảm bảo “tuổi thọ” của bản Hiến pháp, lần này, qua nghiên cứu cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thì phần kinh tế cần mang tính phổ quát. Thay vì như Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 quy định cụ thể các thành phần kinh tế, thì Hiến pháp lần này quy định chung mô hình kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Liên quan đến cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, cũng có những ý kiến cho rằng không nên ghi vào. Cá nhân tôi qua nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài, khi nghe đại biểu Việt Nam tranh luận nên hay không nên để cụm từ này, thì các chuyên gia nước ngoài tham gia rằng: “các anh không nên mất nhiều thời gian vào chuyện đó”. Người ta cho rằng, có quy định hay không quy định về bản chất ở bất cứ một nhà nước nào, trong quan hệ giữa nhà nước và thị trường, vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Đặc biệt, kinh tế nhà nước luôn luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của một đất nước. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hiểu sao cho đúng. Nội hàm kinh tế nhà nước trong Hiến pháp của ta không đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận thôi, còn kinh tế nhà nước ở đây bao gồm rộng hơn, kể cả từ chính sách cho đến nguồn lực của quốc gia.
Còn vấn đề có ghi thêm từ “chủ đạo” để tăng thêm trách nhiệm của nhà nước, nếu như không ghi vào thì bản thân nhà nước vẫn giữ vai trò đó. Khi đã ghi vào như thế, bản thân anh không làm tốt thì theo quy luật cạnh tranh và đào thải, hậu quả cuối cùng sẽ diễn ra một cách khách quan. Trong Nghị quyết văn kiện Đại hội XI, đặc biệt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 2 khi cho chủ trương về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, trong đó cũng xác định rõ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế; kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Như vậy, kể cả kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được xác định có vị trí nhất định, có nghĩa chủ trương của Đảng cũng xác định vị trí của từng thành phần kinh tế rồi. Trong nghiên cứu khoa học của chúng tôi về cơ sở lý luận thực tiễn sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi có đề xuất một phương án về sửa đổi Hiến pháp. Điều liên quan đến điểm này ghi là kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng cách viết nhẹ đi, ẩn trong đó thể hiện sự bình đẳng giữa các nền kinh tế. Đó chỉ là cách thể hiện thôi. Ý kiến của chúng tôi chỉ là một, còn quyền quyết là của đại biểu Quốc hội.
- Theo ông, dự thảo Hiến pháp sửa đổi này đã đủ chín muồi để có thể ấn nút thông qua chưa, thưa ông?
- Là một trong những người trực tiếp giúp Ban sửa đổi trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và từng đại biểu Quốc hội thông qua các kỳ họp, tôi nhận thấy đến giờ phút này đã đủ điều kiện để thông qua. Từ những nội dung, cũng như mặt hình thức đã được chỉnh sửa nghiêm túc.
- Theo ông, khi Hiến pháp lần này thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
- Theo nhận xét của tôi, đến giờ phút này, đây là một bản Hiến pháp mới, trong đó phần nội hàm mang nhiều vấn đề mới. Điều đó đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của việc sửa đổi, do đó chắc chắn sẽ có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trong đó có quyền con người – mà đây là quyền quan trọng nhất, khi đã được phát huy sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội.
- Xin cám ơn ông!
Đức Thắng (Thực hiện)