(BVPL) - Trong những số báo trước, báo BVPL đã thông tin, qua theo dõi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri trên cả nước đã bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao đối với nhiều nội dung và những điểm mới được quy định trong dự thảo Luật. Báo BVPL tiếp tục trích đăng một số ý kiến của cử tri liên quan đến dự thảo Luật này.
Cử tri Phạm Văn Thiệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Tôi cho rằng quy định trong dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng ý với các nội dung được quy định tại điều luật này và theo tôi điều quan trọng hơn là cần tiếp tục giao cho VKSND thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự trong những trường hợp để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
Cử tri Nguyễn Văn Đảm (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh): Bên cạnh điểm mới là quy định hệ thống VKSND gồm 4 cấp gồm VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện thì Dự thảo cũng đã quy định rõ hơn về thẩm quyền và việc tổ chức Ủy ban kiểm sát của VKSND. Theo đó, Ủy ban kiểm sát được tổ chức ở 03 cấp VKSND gồm VKSNDTC, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh. Quy định này, theo tôi là thực sự cần thiết vì đây là những cấp VKSND có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VKSND, trực tiếp giải quyết những vụ, việc lớn, phức tạp nhằm góp phần chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm đồng thời nhằm bảo đảm kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc thống nhất lãnh đạo trong tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát, phát huy trí tuệ tập thể trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của ngành KSND.
Cử tri Nguyễn Văn Giang (Cầu Giấy, Hà Nội): Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương; tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung trong dự thảo đó là “Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”. Việc quy định như trên sẽ góp phần đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
Cử tri Nguyễn Văn Hòa (Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh): Theo quy định của Dự thảo, có 04 ngạch Kiểm sát viên. Theo tôi việc quy định làm 04 ngạch Kiểm sát viên nhằm bảo đảm phân biệt rõ về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác trong đội ngũ Kiểm sát viên. Điều này hoàn toàn phù hợp với hệ thống tổ chức 04 cấp VKSND đồng thời sẽ tạo cơ sở để bố trí nhiều ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp Viện kiểm sát. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nội dung dự thảo đối với quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên là Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. Với quy định như trên tôi cho rằng một mặt động viên về tâm lý cho Kiểm sát viên chủ động, bản lĩnh trong công tác; mặt khác, cũng tạo động lực phấn đấu, rèn luyện đồng thời nâng cao trách nhiệm của mỗi Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Cử tri Hoàng Văn Thắng (Cẩm Phả, Quảng Ninh): Cùng với việc quy định việc thi tuyển các ngạch Kiểm sát viên thì lần đầu tiên, trong Dự thảo đã quy định về Ngày truyền thống, phù hiệu của VKSND đồng thời đã đưa nội dung tuyên thệ của Kiểm sát viên thành một điều luật riêng với những quy định cụ thể như: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân; đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội; không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND. Với những quy định nêu trên trong Dự thảo, tôi cho rằng sẽ góp phần giúp cho chất lượng cán bộ của ngành Kiểm sát được nâng lên, là động lực phấn đấu và là niềm tự hào của mỗi người khi đứng trong hàng ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát để thực thi nhiệm vụ của mình một cách công tâm, khách quan và trách nhiệm.
P.V (ghi)