leftcenterrightdel
 Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Cecilia Todesca Bocco đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự Diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các cơ quan và doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,88 tỉ USD

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, Việt Nam và Argentina đã cùng nhau nỗ lực hợp tác và đạt được thành quả vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học; ở cả cấp độ song phương, khu vực và thế giới. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2010, các đại biểu, doanh nghiệp hai nước tham dự Diễn đàn đều cho rằng, quan hệ Việt Nam - Argentina đã có những bước phát triển ấn tượng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham dự diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trong đó, về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục gia tăng qua từng năm, từ 378 triệu USD năm 2007 lên 4,88 tỉ USD năm 2022, đưa Argentina trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Argentina trên phạm vi toàn cầu. Argentina hiện đang là một trong những nhà cung cấp ngô và thức ăn chăn nuôi hàng đầu cho Việt Nam.

Về đầu tư, hiện nay Argentina có 5 dự án, đứng thứ 122/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư đã được hai bên tích cực triển khai, với việc Việt Nam tổ chức 2 đoàn doanh nghiệp đa ngành sang khảo sát thị trường Argentina vào các năm 2017, 2018 và Argentina tổ chức đoàn gồm hơn 20 doanh nghiệp sang Việt Nam dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm (FoodExpo) năm 2022. Hai bên cũng đã phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân chủng học-pháp y, khoa học và công nghệ... để tạo sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu.

Cần đa dạng hóa hơn các mặt hàng xuất nhập khẩu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 409 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ 5 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 4.100 USD; quy mô thương mại đạt hơn 730 tỉ USD. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trong tình hình hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng thích ứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có Argentina để có các biện pháp phục hồi thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, hai nước chúng ta, dù xa cách về địa lý, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng, đều có nhiều tiềm năng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, dòng vốn đầu tư kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Argentina, với vai trò là thành viên tích cực của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nam Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam sẽ luôn là cầu nối vững chắc để Argentina vào khu vực thị trường ASEAN cũng như châu Á – Thái Bình Dương.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, hai bên cùng trao đổi, quan tâm thúc đẩy việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu nhằm nâng cao kim ngạch và từng bước cân bằng cán cân thương mại song phương. Theo đó, Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường Argentina như sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ và nội thất, vật liệu xây dựng… Ở chiều ngược lại, Argentina tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng ngô, đậu tương… với nguồn cung và giá thành ổn định vào Việt Nam.

Cùng với hợp tác thương mại, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp hai nước xem xét, mở rộng hợp tác kỹ thuật và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, công nghệ sinh học, y tế, năng lượng xanh… để tạo sự hợp tác toàn diện, gắn kết lâu dài.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp chặt chẽ để giải quyết các rào cản, khó khăn và vướng mắc phát sinh trong hoạt động hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp. Từng bước xem xét mở cửa thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của mỗi bên vào thị trường của nhau theo lộ trình phù hợp trên cơ sở có đi có lại và cân bằng lợi ích của cả hai bên…

Hai nước còn nhiều dư địa hợp tác

Về phía Argentina, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Cecilia Todesca Bocco cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có rất nhiều lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương tháp tùng sẽ hỗ trợ cho việc thúc đẩy các chương trình nghị sự, cuộc gặp song phương, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước.

leftcenterrightdel
 Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Cecilia Todesca Bocco phát biểu tại diễn đàn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đánh giá hai nước còn nhiều dư địa hợp tác, bà Cecilia Todesca Bocco cho rằng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Argentina cũng là dịp để hai bên cùng định hướng cho hợp tác trong 50 năm tới.

Nhắc lại ý kiến của Tổng thống Argentina và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây khi cho rằng hai nước đều có cơ hội hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bà Cecilia Todesca Bocco cho biết, diễn đàn cũng nhằm xác định cụ thể chương trình nghị sự đó với những dự án có thể hợp tác chung.

Tại diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thông tin về môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp hai nước đã trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh, nhất là những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu…

Minh Khôi