Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, tham dự hội nghị có 224 già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. |
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên khoảng 54.700 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Hiện nay, Tây Nguyên là khu vực đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em, cư trú ở gần 7.800 thôn/buôn/tổ dân phố, trong đó có trên 2.800 buôn, thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (với khoảng 2 triệu người là đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 35% tổng dân số toàn vùng), với rất nhiều đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng, trong đó có 12 tộc người thiểu số tại chỗ.
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Trong những năm qua, các già làng Tây Nguyên đã trải qua hai cuộc kháng chiến, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, các già làng có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng, là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”. Tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết tâm thư của già làng Tây Nguyên. |
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư (năm 2009 – 2019), các già làng Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Là người đứng đầu trong buôn làng, các già làng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước. Đồng thời là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đẩy mạnh lao động sản xuất, đổi mới cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh vùng đất Tây Nguyên, xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
|
|
Các già làng quyết tâm "nói đi đôi với làm". |
Đặc biệt là trong quá trình bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, các già làng đã khẳng định được vai trò trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, các già làng thường xuyên vận động đồng bào các dân tộc nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.
Phát huy vai trò của người cao tuổi, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao-Gương sáng”, làm nòng cốt trong các phong trào ở buôn làng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Trong những năm qua, các già làng đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của Người Cao tuổi Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, chúng ta tự hào về những kết quả đã đạt được xuất phát từ Quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên. Các già làng đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn: “Các già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng".