Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trần Quốc Cường, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Về phía VKSND tối cao tham dự buổi Lễ có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và Thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Cùng dự buổi Lễ còn có tập thể lãnh đạo, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao.

Báo cáo do Văn phòng Chủ tịch nước trình bày tại buổi Lễ về kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước với TAND tối cao, VKSND tối cao cho thấy, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao, VKSND tối cao chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Chủ tịch nước trình Quốc hội khóa XIII, XIV, XV bầu, miễn nhiệm Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương chụp ảnh lưu niệm. 

Đồng thời, 3 cơ quan đã phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Thẩm phán TAND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác.

Ngoài việc chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã thường xuyên báo cáo Chủ tịch nước về những nội dung quan trọng của TAND, VKSND và những vấn đề Chủ tịch nước quan tâm. Đồng thời, phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, đặc xá.

Cùng với đó, thời gian qua, Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao, VKSND tối cao đã chủ động phối hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, chương trình và các điều kiện cần thiết phục vụ Chủ tịch nước đến thăm và làm việc với 2 cơ quan về những nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động, công tác cải cách tư pháp và dự Hội nghị triển khai công tác năm của ngành Tòa án, ngành Kiểm sát.

Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong việc phục vụ Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp đối với những nội dung liên quan đến TAND, VKSND.

Cũng theo Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước với TAND tối cao, VKSND tối cao được ban hành từ năm 2012. Qua 10 năm triển khai thực hiện, 2 Quy chế trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao phối hợp, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, 2 Quy chế trên đều được ban hành trước Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, do đó nhiều quy định trong 2 Quy chế không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp và các Luật nêu trên. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số những vướng mắc, bất cập dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp triển khai thực hiện. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi 2 Quy chế là hết sức cần thiết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã chủ động phối hợp với 2 cơ quan tiến hành rà soát các nội dung 2 Quy chế phối hợp công tác năm 2012, nhiều lần tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan để trao đổi, thảo luận về từng nội dung, nhất là những nội dung có nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và một số nội dung mới được các cơ quan nêu ra để thống nhất đưa vào Quy chế mới. Đến nay, Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao; giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao đã được hoàn thiện.

Tiếp đó, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao; Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao đã tiến hành ký Quy chế phối hợp.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến việc ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao. 
leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến việc ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao.
leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan ký Quy chế phối hợp.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong nhiều nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan khối nội chính, tư pháp luôn chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Từ đó, góp phần bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi Lễ. 

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, sửa đổi Quy chế phối hợp công tác giữa 3 cơ quan. Việc hoàn thành và ký Quy chế phối hợp là thực sự cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan một cách hiệu quả hơn.

Để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan khối tư pháp, nội chính phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan, nhất là 3 cơ quan ký Quy chế cần triển khai sâu rộng và thực hiện một cách nghiêm túc từ lãnh đạo đến các bộ phận nghiệp vụ, đặc biệt là các cán bộ, chuyên viên trực tiếp thực hiện công việc; đi đôi với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế. Việc thực hiện Quy chế phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tuân thủ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, định kỳ hằng năm, 3 cơ quan cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình thực hiện Quy chế và báo cáo Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các Đề án của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương và Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chủ tịch nước tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ quan khối tư pháp, nội chính, chắc chắn các cơ quan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Lễ ký. 

Phát biểu tại Lễ ký, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng hoàn thiện, ký kết Quy chế. Đồng chí Viện trưởng tin tưởng, sau khi Quy chế được ký kết, công tác phối hợp giữa các cơ quan nói chung, giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao nói riêng sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa, đi vào thực chất và đạt hiệu quả trong việc phục vụ các hoạt động Chủ tịch nước, từ đó góp phần hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao gồm 3 chương, 13 điều, quy định về phối hợp công tác giữa 2 cơ quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật để phục vụ Chủ tịch nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đó là: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng VKSND tối cao; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao; xét báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao trong thời gian Quốc hội không họp; xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình; quyết định đặc xá; công tác tư pháp và cải cách tư pháp; đến thăm và làm việc tại VKSND...

 

Cao Nguyên