Theo chương trình làm việc, hôm nay (9/11), Quốc hội nghe, thảo luận về một số dự án luật; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.

 

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng


Cụ thể, sáng 9/11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch cũng như các nguyên nhân chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật quy hoạch là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về hồ sơ, bố cục của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy dự án Luật quy hoạch đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch trong thời gian qua cũng như học tập kinh nghiệm quốc tế về xu hướng đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo phương thức các nước tiên tiến đang sử dụng. Hồ sơ dự án Luật tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục để trình Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về bố cục của dự án Luật, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật gồm 6 chương, 67 điều là hợp lý. Tuy nhiên, các ý kiến đều nhất trí rằng dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ, các Bộ trưởng ban hành văn bản quy định chi tiết (như tại khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 12, khoản 5 Điều 19, khoản 2 Điều 22, khoản 4 Điều 23, khoản 5 Điều 47, khoản 3 Điều 54, khoản 5 Điều 66) khiến cho dự thảo Luật chỉ mang tính chất quy định khung.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần cụ thể hóa ngay trong dự thảo Luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của Luật theo tinh thần của Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị bổ sung một điều riêng về hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch, có ý kiến đề nghị chuyển Điều 21 về nguyên tắc lập quy hoạch lên Chương I về quy định chung thì hợp lý hơn... Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp trên.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh, theo đó, luật này là luật chung quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. Có ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh nên tập trung vào những vấn đề về quy hoạch chưa được luật hóa; các loại quy hoạch; các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt có tính chất cơ bản, cốt lõi của công tác quy hoạch; các quy định phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình lập và thực hiện các loại quy hoạch. Những nội dung đặc thù có thể vẫn do luật chuyên ngành điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực, tránh tạo xung đột hoặc khoảng trống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật được ban hành.

Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét, làm rõ các ý kiến như đã nêu để hoàn thiện phạm vi điều chỉnh.
 

Theo N. Huyền/Infonet

.