Trong hai ngày 7 và 8-8, Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, nghe báo cáo, thảo luận về các dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh, Luật Thủ đô, Luật Hộ tịch, Luật Việc làm, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

 
 
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 15 chương và 190 điều, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…
 
So với Luật Đất đai năm 2003, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng 7 chương, 44 điều.
 
Thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến tập trung vào vấn đề hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành và mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai.
 
Đóng góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ bày tỏ sự thống nhất cao với những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch.
 
Đồng thời đề xuất dự thảo luật cần làm rõ hơn vấn đề về trách nhiệm giải trình; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xử lý tài sản không được giải trình một cách hợp lý; quy định biện pháp tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng;…
 
Về dự thảo Luật Thủ đô, một số thành viên Chính phủ đề xuất lựa chọn những vấn đề đặc thù về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô chưa được hoặc đã có quy định trong các đạo luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước, nhưng chưa phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
 
Về quản lý dân cư, có ý kiến cho rằng, cần áp dụng một số biện pháp hành chính để hạn chế việc đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội để góp phần hạn chế tình trạng quá tải về dân cư ở nội thành.
 
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định thêm điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành, vì có thể ảnh hưởng quyền tự do cư trú của công dân.
 
 
Theo Chinhphu.vn