Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt nội dung giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Bên lề Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn và đồng tình cho rằng đã làm tốt chủ trương nhìn lại toàn bộ hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Chất vấn và trả lời chất vấn: Dân chủ, thẳng thắn và xây dựng
Tại phiên họp, tổng cộng đã có 54 lượt ĐB phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có 18 ĐB đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 6 ĐB đặt câu hỏi đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 ĐB đặt câu hỏi đối với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; khoảng 140 câu hỏi đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Đặc biệt lần đầu tiên đã có một ĐB có câu hỏi đối với Chủ tịch Quốc hội. Theo đó đã có 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trả lời chất vấn và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trả lời 3 câu hỏi của ĐB.
Có thể thấy rằng, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới, kết hợp việc xem xét, thảo luận, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết với việc chất vấn những vấn đề còn thực hiện chưa tốt. Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ với nhiều vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ, các ngành, lĩnh vực được giải trình, làm rõ. Đây cũng là cách thức để thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng đối với các vấn đề mà Quốc hội, ĐB quan tâm.
|
Toàn cảnh phiên chất vấn |
Qua tổ chức giám sát, chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, việc ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề đã bám sát tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong Đời sống xã hội, được cử tri, dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Việc tổ chức hoạt động giám sát lại việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành là hết sức cần thiết, có tác động rất tích cực đến các cơ quan chịu sự giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ những lĩnh vực, những vấn đề được giám sát, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát đối với những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu tại các nghị quyết đã ban hành.
Qua thảo luận, về cơ bản, ý kiến các ĐB ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015. Việc thực hiện các nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao Đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có lĩnh vực chuyển biến chậm, có vấn đề được nêu trong nghị quyết nhưng thực tế triển khai chưa đạt yêu cầu. Có những vấn đề hạn chế, yếu kém mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng trong thực tế vẫn còn chưa có kết quả rõ nét, còn lặp lại, gây bức xúc kéo dài trong dư luận và nhân dân. Đó là: Tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, chuẩn bị hội nhập, phát triển các yếu tố kinh tế thị trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình; một số nội dung về cải cách giáo dục còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, gây bức xúc trong xã hội…
Trao đổi bên lề với các ĐB về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, nhìn chung các ĐB khá hài lòng với việc trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành cũng như của người đứng đầu Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét: Cách chất vấn tại kỳ họp này thể hiện một tinh thần mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Đó là tính dân chủ, công khai, minh bạch được thể hiện rất cao bởi vì ĐB có thể nêu bất cứ nội dung, lĩnh vực nào mà mình quan tâm. Và đây cũng chính là sự mong mỏi, kiến nghị, có cả những bức xúc của cử tri mà đại biểu ghi nhận được. “Từ Chủ tịch Quốc hội đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời với tinh thần hết sức trách nhiệm. Do vậy, có thể nói tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm là một nét được thể hiện rất rõ trong hoạt động chất vấn lần này…” - ĐB Học nói.
|
ĐB Nguyễn Thị Khá |
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đánh giá: Việc điều hành kiểu mới buổi đầu còn hơi trục trặc nhưng sang đến buổi thứ 2 đã ổn định hơn. Việc chất vấn theo kiểu mới mang tính bao quát hơn nhưng cũng có những điểm hạn chế đó là cách điều hành, làm sao cho mỗi Bộ trưởng tổng hợp nhiều ý kiến lại để trả lời bởi có những ý kiến trùng lặp. ĐB Khá cho biết rất ấn tượng với phần trả lời của các Phó Thủ tướng, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bên cạnh đó, cách trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn, rõ ràng, ví dụ lãng phí thì lãng phí như thế nào, cũng tạo được ấn tượng tốt với các ĐB và cử tri.
|
ĐB Trương Minh Hoàng |
Còn ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì nhận định: "Tôi thấy Đoàn Chủ tịch điều khiển rất linh hoạt, ban đầu đặt ra 7 phút, có lúc điều chỉnh 5 phút rồi 2 phút". Theo ĐB Hoàng, đại đa số các vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã có phần trả lời về những lĩnh vực rất rộng nhưng các Bộ trưởng, Trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đã nắm vấn đề khá chắc và trả lời một cách khá toàn diện những vấn đề đặt ra. “Tôi cho rằng trả lời như thế là rất rõ, mặc dù có Bộ trưởng có vẻ còn lúng túng” - ĐB Hoàng bày tỏ quan điểm.
Chánh án TANDTC đã thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm
Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC cũng được khá nhiều ĐB quan tâm.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đã nhận xét, đánh giá thẳng thắn: Báo cáo của Chánh án TANDTC gửi các ĐB khá đầy đủ, chi tiết bao quát được việc thực hiện nhiệm vụ của TAND theo đúng quy định của luật pháp; đồng thời cũng nhìn nhận được những thiếu sót và đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục. Báo cáo đảm bảo được tính khái quát cao tình hình xử lý vụ án trong thời gian vừa qua. Tinh thần chỉ đạo của Chánh án rất quyết liệt nhưng phải nói rằng hiện nay các vụ án rất nhiều, điều đó cho thấy tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, nên làm sao chúng ta cần làm tốt khâu tuyên truyền pháp luật để giảm bớt hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Bởi nếu không sẽ dẫn đến việc quá tải các vụ án như hiện nay mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
|
ĐB Trần Hoàng Ngân |
“Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình trước Quốc hội, với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, bản lĩnh và trách nhiệm với vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt, trong Báo cáo của Chánh án TANDTC đã có nội dung cam kết tập trung giải quyết triệt để những tồn tại, khuyết điểm nhằm nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của Tòa án trong các năm tiếp theo. Tôi thấy rằng, trong thời gian tới các cấp Tòa án cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, và tôi chắc chắn rằng dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC, với sự nỗ lực của toàn hệ thống TAND, các đồng chí sẽ hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó…”, ĐB Ngân chia sẻ.
|
ĐB Trịnh Thanh Bình |
Đến từ Đoàn ĐBQH Bến Tre, ĐB Trịnh Thanh Bình cho biết, những nội dung đề cập đến trong Báo cáo của Chánh án TANDTC và trong phiên trả lời chất vấn, thực chất đây là những vấn đề đã được thảo luận và chất vấn trong suốt nhiệm kỳ này. Lãnh đạo TANDTC đã có những chỉ đạo cụ thể đến các TAND thực hiện và đã có kết quả rất tốt. “Từ thực tế là người làm công tác chuyên môn, tôi thấy các hiệu quả của hoạt động xét xử trong những năm vừa qua có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết án nâng lên, án hủy sửa giảm và vấn đề oan sai đã được khắc phục cơ bản…”. ĐB Bình nhận xét và bày tỏ quan điểm về vụ án của ông Lương Ngọc Phi: “Giải quyết vụ án này đương nhiên phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Bởi vụ án này phụ thuộc vào quá trình tiến hành tố tụng trên thực tế, rồi các yếu tố khác, sự tham gia của các đương sự, rồi quyền kháng cáo, kháng nghị. Nếu có kháng cáo, kháng nghị thì phải tiếp tục giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng. Cho nên đã theo thủ tục tố tụng thì quyền độc lập xét xử và quyền giải quyết đó do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Chánh án Trương Hòa Bình đã nói rất rõ, giải quyết nhanh chóng vụ việc, nhưng phải theo đúng trình tự tố tụng, đúng pháp luật. Tôi thấy Chánh án TANDTC đã trả lời rất trách nhiệm trong vụ việc này” - ĐB Bình khẳng định.
Đối với Báo cáo của Chánh án Trương Hòa Bình về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nhiều ĐB cũng đã bày tỏ ý kiến đồng tình và đánh giá cao thực tế trong điều kiện số lượng án gia tăng, đội ngũ cán bộ còn thiếu, lượng án giải quyết năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn giảm tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, đặc biệt tìm các giải pháp khắc phục để không xảy ra án oan là điều rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó có ĐB chia sẻ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội cho thấy hệ thống Tòa án phải hết sức nỗ lực. Ví dụ, trung bình một năm, cả nước phải giải quyết hàng nửa triệu vụ án, kéo giảm 1% án không bị hủy, sửa là việc hết sức khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên các ĐB cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào các cấp TAND thực hiện bằng được nhiệm vụ được giao.
|
ĐB Phạm Văn Hà |
Cũng bên lề phiên họp, sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn, ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An), Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận định về vụ án đòi bồi thường thiệt hại của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) khá toàn diện. ĐB Hà nhận định vụ án ông Lương Ngọc Phi, Tòa án không chậm trễ mà đã và đang giải quyết theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Bởi, về mặt khách quan, ông Phi cũng không thỏa thuận được với Tòa án và Tòa án thấy rằng mức đề nghị bồi thường của ông Phi là quá cao. Luật cũng quy định, việc bồi thường phải căn cứ vào mức độ thiệt hại xảy ra, đó là về tài sản, còn về hình sự thì đã giải quyết xong rồi. Về tài sản cần phải xem xét thiệt hại xảy ra, do đó ở đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu nói về thời gian so với luật quy định thì không chậm, nếu Tòa án và ông Phi không có những vướng mắc về tố tụng thì đã giải quyết vụ việc được nhanh hơn.
Cũng theo ĐB Phạm Văn Hà: Báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tại hội trường và phần trả lời chất vấn cho thấy, Chánh án đã thực hiện nghiêm túc những lời hứa trước Quốc hội khóa XIII. Ví dụ như các chỉ tiêu về xét xử, về hạn chế án oan, về tỷ lệ xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án đều vượt tỷ lệ so với Nghị quyết số 37 của Quốc hội giao cho. Không những vậy, tỷ lệ xét xử phúc thẩm, thi hành án cũng rất cao, đều vượt chỉ tiêu đó. “Hiện nay không có kiến nghị, chất vấn nào của ĐB liên quan đến án còn tồn đọng, mà đã được trả lời thỏa đáng theo quy định của pháp luật và hầu như các ĐB đều đồng tình với những trả lời đó của Chánh án. Có thể nói, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trả lời và thực hiện lời hứa của mình một cách có hiệu quả và thuyết phục” - ĐB Hà khẳng định.
|
ĐB Đào Thị Xuân Lan |
ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, tại Kỳ họp thứ Bảy ngày 24/6/2014, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết số 74/2014/QH13 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một Nghị quyết tiến hành giám sát tối cao, trong đó có nội dung: “Xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của QH, UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015”. Có thể nói đây là sáng kiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, đã tạo sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát, rút ra bài học kinh nghiệm, đưa hoạt động xem xét việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát trở thành thường xuyên hơn trong hoạt động của Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết trên và Kế hoạch chi tiết số 310/KH-UBTVQH của UBTVQH, ngày 4/8/2015, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã có Báo cáo số 37/BC-TA báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết, Kết luận của UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. “Tôi đồng tình rất cao với đánh giá của nhiều ĐB đã phát biểu, đây là một báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu và đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của QH và Kế hoạch chi tiết của UBTVQH…” - ĐB Lan nhận xét.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết, bà khá hài lòng với bản Báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về việc thực hiện các Nghị quyết và lời hứa trước Quốc hội. Báo cáo khá đầy đủ các nội dung về các lĩnh vực của Tòa án; chỉ ra những ưu điểm, những việc làm được, chưa làm được tương đối đầy đủ. Từ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho đến việc chỉ đạo giải quyết những vụ án oan sai. Trong đó có rất nhiều lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt như việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC ra Nghị quyết về việc ban hành án lệ nhằm đảm bảo thống nhất trong công tác xét xử; vấn đề tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao v.v…
|
ĐB Hồ Thị Thủy |
Khi được hỏi về vụ án liên quan đến ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, ĐB Thủy cho rằng, ở góc độ quản lý, lãnh đạo chỉ cần đưa ra đường lối xử lý thôi, chứ chi tiết quá cũng khó nói cho đầy đủ hết được. “Tôi nghĩ rằng, bất cứ lãnh đạo nào cũng thế, những vụ việc cụ thể cũng có thể trả lời trực tiếp nhưng nên trả lời bằng văn bản sẽ cụ thể, đầy đủ hơn. Mỗi năm có hàng ngàn vụ án, Chánh án không thể nhớ chi tiết được từng vụ và cũng không cần thiết phải như vậy”- ĐB Thủy bày tỏ quan điểm.
Cũng theo ĐB Thủy, trong thời gian qua, TANDTC triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND nên có nhiều việc phải làm. “Trong Báo cáo cũng nói rõ nhiều vụ án bị kéo dài về thời gian mà tôi thấy rằng trong đó cũng có những lý do khách quan, đó là phải kiện toàn bộ máy tổ chức nên không thể xử lý được ngay. Nhưng tôi tin tưởng rằng hạn chế đó, với quyết tâm của Chánh án TANDTC và cả hệ thống Tòa án, tới đây sẽ được khắc phục…” - ĐB Thủy bày tỏ.
Theo Congly.com.vn