(BVPL) - Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC được thảo luận vào chiều 25/10 tại Hội trường.
Tiếp thu ý kiến Đại biểu quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý, sửa đổi 23/65 điều của Luật hiện hành, bổ sung 5 điều vào dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý kỹ một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan. Dự thảo luật gồm 9 chương 65 điều.
Báo cáo nêu rõ, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có khả năng về nhân lực, vật lực tham gia hỗ trợ và phối hợp chữa cháy.
UBTVQH nhận thấy, Điều 33 và Điều 34 Luật hiện hành và mục 3a khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật do Chính phủ trình đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và hộ gia đình. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung mục 3b khoản 2 Điều 1 về trách nhiệm của cá nhân và hoàn chỉnh các điều luật để làm rõ hơn và bảo đảm tính khả thi như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phòng cháy đối với hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, ký túc xá sinh viên, các làng nghề, công trình, phương tiện giao thông, các nơi thờ tự, cơ sở di tích lịch sử, đối với nhà máy sản xuất hóa chất, hệ thống kho vũ khí - đạn dược của lực lượng vũ trang, kho bạc nhà nước…; quy định cụ thể các điều kiện về phòng ngừa, cứu nạn, thoát nạn.
UBTVQH nhận thấy, yêu cầu cơ bản về PCCC đối với tất cả các cơ sở, công trình được quy định chung tại Điều 20 Luật PCCC hiện hành; đối với các cơ sở, công trình đặc thù, ngoài việc thực hiện các yêu cầu cơ bản quy định tại Điều 20 còn phải thực hiện các quy định tương ứng khác (từ Điều 21 đến Điều 28 Luật hiện hành). Việc liệt kê hết các loại cơ sở, công trình xây dựng kèm theo các quy định về phòng cháy trong luật là khó khả thi; về việc bảo đảm yêu cầu cứu nạn, thoát nạn đối với các loại công trình được thực hiện theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC tại các công trình xây dựng. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định về phòng cháy đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội).
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm như: để các nguồn lửa, các nguồn nhiệt cao gần các vật dễ cháy; quy định chế tài đối với các đơn vị, cơ sở vi phạm về PCCC; quy định cấm hành vi gây mất an toàn cháy, nổ tại các chợ và trung tâm thương mại.
Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, các hành vi bị nghiêm cấm nói trên đã được quy định tại Điều 13 Luật PCCC hiện hành và cơ bản đã bảo đảm yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa khả năng ngăn chặn các hành vi có thể gây ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người, nhà chung cư và các điểm tổ chức sự kiện không thường xuyên như: lễ hội, mít tinh, triển lãm, hội chợ... UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định cấm “Mang hàng hóa và chất dễ cháy, nổ trái phép vào các nơi tập trung đông người”; sửa đổi, bổ sung một số khoản tại Điều 13 Luật PCCC hiện hành để bảo đảm bao quát các hành vi bị cấm; sửa đổi mục 1 khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật Chính phủ trình về trách nhiệm của hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy tại chợ, trung tâm thương mại.
Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến đề nghị, dự thảo cần bổ sung quy định về chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học về PCCC; chính sách ưu đãi về thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh các phương tiện PCCC; thu và sử dụng phí trong công tác PCCC; mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và mở rộng đối tượng được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là tính mạng, sức khỏe con người do sự cố cháy, nổ gây thiệt hại.
Ngọc Đức (Lược ghi)