(BVPL) - Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Cảnh vệ, quy định về nguyên tắc nổ súng, là nội dung được nhiều đại biểu tranh luận.

 


Quy định về nguyên tắc nổ súng của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi thi hành nhiệm vụ trong dự thảo Luật, theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cơ bản phù hợp song vẫn còn những điểm bất hợp lý.


ĐB Thịnh phân tích, khoản 1 Điều 21 quy định, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi của đối tượng mới chỉ là đột nhập, chưa đe dọa tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và khu vực bảo vệ nên cho cảnh vệ nổ súng là chưa phù hợp.

ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) băn khoăn về quy định nổ súng thi hành công vụ. Nhất trí với nguyên tắc việc nổ súng của cán bộ, chiến sĩ phải tuân thủ nguyên tắc về sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… , cần quy định thêm khi thi hành nổ súng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.

Ông Chính cũng cho rằng, một số trường hợp quy định cụ thể việc nổ súng tại dự thảo Luật còn chưa tương thích với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ví dụ: Quy định nổ súng tại khoản 1 Điều 21 quy định về cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ. Ông Chính nhấn mạnh, quy định như vậy là chưa đầy đủ. Đây mới chỉ trường hợp cảnh báo hành vi đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, đối tượng chưa thực hiện hành vi nào liên quan tới tấn công đối tượng cảnh vệ và không đe doạ trực tiếp tính mạng, sức khoẻ cán bộ chiến sĩ, cảnh vệ. Do đó, trường hợp này không nên áp dụng biện pháp cảnh báo bằng biện pháp nổ súng, bắn chỉ thiên mà chỉ nên áp dụng cảnh báo bằng biện pháp khác. Nếu quy định bắn chỉ thiên sẽ sai nguyên tắc, phải căn cứ vào mức độ, tính chất nguy hiểm trong hành vi của đối tượng để quyết định sử dụng vũ khí quân dụng.

Về quy định gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ sau khi đưa ra lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả, theo cách hiểu của ông Chính, quy định này cũng chưa phù hợp. “Đối tượng cố tình xâm phạm, nhưng hành vi của đối tượng mới chỉ dừng lại ở mức độ đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện hành vi tấn công đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ của đối tượng cảnh vệ, cán bộ chiến sĩ. Nếu nổ súng trong trường hợp này là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại khoản b, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng ngay, nếu việc sử dụng không kịp thời sẽ đe doạ trực tiếp tới tính mạng, sức khoẻ của bản thân hoặc người khác, hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”.

Mặt khác, theo quy định cứng của điều luật này, chỉ được nổ súng gây thương tích cho đối tượng, nếu nổ súng dẫn tới hậu quả chết người, nghĩa là chiến sĩ cảnh vệ đã vi phạm pháp luật, theo ông Chính cũng chưa phù hợp. Súng là loại vũ khí quân dụng có khả năng gây sát thương lớn, gây hại tới tính mạng, sức khoẻ con người lớn. Không thể đảm bảo được việc nổ súng như quy định của điều luật này trong mọi trường hợp đều chỉ gây thương tích, nhất là trường hợp xảy ra vào buổi tối, phạm vi quan sát kém, vị trí nhằm bắn không rõ.
 

Ngọc Đức

.