Hôm qua (20/8), Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh.

 

Khai mạc Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư - nêu rõ: Đây cũng là Hội nghị bàn thảo những công việc cần làm ngay về công tác xây dựng Đảng, góp phần sớm đưa Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) của Đảng vào cuộc sống.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN
 
Luân chuyển: Cơ hội rèn luyện, thử thách cán bộ
 
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các Nghị quyết (42, 11) của Bộ Chính trị Khóa IX về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ ở các ban, bộ, ngành, địa phương đã dần đi vào nền nếp, đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện đồng bộ hơn, chất lượng hơn các khâu khác trong công tác cán bộ. 
 
Việc luân chuyển cán bộ đã góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ. Kết quả luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X đã đào tạo được nhiều cán bộ, nhiều đồng chí được bầu vào BCH TƯ, được tín nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; trên 95% cán bộ chủ chốt HĐND, UBND và trên 98% Ủy viên Ban thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đã qua luân chuyển.
 
Phải làm tốt quy hoạch cán bộ
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và khẳng định quan điểm dứt khoát phải làm quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch cán bộ là thể hiện vai trò, chức năng lãnh đạo, chủ động của Đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Quy hoạch là định hướng, phát hiện nguồn, là đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiều nhiệm kỳ sau, cần phân biệt với việc làm nhân sự cho từng nhiệm kỳ.
 
Tổng Bí thư nêu rõ: “Cán bộ là người lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân của một tổ chức, là nòng cốt của một phong trào; và trong bất kỳ thời kỳ cách mạng nào, ở bất cứ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Như Bác Hồ đã dạy, cán bộ là cái gốc của công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.” Do đó, phải chuẩn bị chiến lược cán bộ, phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Cùng với chuẩn bị và sắp xếp cán bộ phải quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, lề lối, phương thức làm việc, kể cả việc chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, cơ chế, đãi ngộ để cán bộ làm việc, tạo động lực cho cán bộ hoạt động.
 
Theo chương trình, trong 2 ngày làm việc (20-21/8), Hội nghị tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các vấn đề: xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân; quy định góp ý, lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ sung, sửa đổi quy định phân cấp quản lý cán bộ và quy chế bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; bổ sung, sửa đổi hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
 
Về đánh giá cán bộ, chúng ta đã từng làm, thời kỳ nào cũng làm, nhưng đây là khâu khó, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn, cần có thông tin. Nhưng quan trọng là cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự là những người trong sách, công tâm, khách quan, phải có tầm nhìn mới có thể phát hiện, đánh giá đúng cán bộ. Nhìn cán bộ phải từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả công việc, xem xét giải quyết công việc như thế nào, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức. Lửa thử vàng, gian nan thử sức; đừng thấy đỏ mà tưởng là chín; người cán bộ tốt phải là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
 
Theo TTXVN