Muốn cách chức một cán bộ sai phạm cũng không cách chức được vì theo qui trình phải có họp kiểm điểm, mất cả tháng trời.
 
Quốc hội đang thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ. Xung quanh luật này có nhiều nội dung quan trọng được các Đại biểu Quốc hội đề cập. Một trong số đó là vấn đề chịu trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành được phân công quản lý.
 
Thực tế, thời gian qua, nhiều khi người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ quản lý ngành nhưng khi nói đến chuyện từ chức thì rất khó khăn.
 
Trao đổi với VOV.VN bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, có thể do hoàn cảnh, điều kiện, bối cảnh xã hội của ta nặng nề. Mọi người cảm giác việc từ chức là rất nặng nề kể cả với cán bộ công chức cũng như người thân của họ.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (phải) trong thảo luận tổ (ảnh Quang Trung)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (phải) trong thảo luận tổ (ảnh Quang Trung)
 
“Đây là một áp lực rất lớn và được người ta xem như là một hình thức kỷ luật chứ không phải là giải pháp tự nguyện của người cán bộ công chức đang đảm nhiệm chức vụ” – Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.
 
Cũng theo ông Uông Chu lưu, ở các nước người ta quan niệm chức vụ rất bình thường. Hôm nay một người có thể đảm đương chức vụ ở lĩnh vực này nhưng ngày mai có thể họ chuyển hẳn sang lĩnh vực khác đúng năng lực, sở trường của họ. Họ tự nguyện và xem việc từ chức là rất bình thường.Tuy nhiên ở ta chưa có thói quen đó.
 
Hiện nay, ông Uông Chu Lưu cho biết: “Mong muốn của cử tri cũng như ĐBQH là các dự án Luật tổ chức Chính phủ phải quy định rõ vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể. Có như vậy mới tạo cơ sở pháp lý để người ta hoạt động có hiệu quả và phát huy được năng lực, trách nhiệm của họ và khi họ không hoàn thành nhiệm vụ thì có cơ chế để kiểm tra, giám sát, xử lý”.
 
Ông Uông Chu Lưu cho rằng, pháp luật của chúng ta đang đi theo hướng đó nhưng tính cụ thể vẫn còn hạn chế. Do vậy khi cần làm rõ trách nhiệm là rất khó. Chưa làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân.
 
Cũng nói về sự phân cấp, phân quyền trong quản lý nhưng chưa rõ ràng, khó thực thi, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng dẫn chứng, vụ sập cầu treo Chu Va là ở địa phương nhưng cuối cùng vẫn do Bộ GTVT đứng ra khắc phục, xử lý.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, hiện không có sự rạch ròi trong quản lý. Ví dụ, xảy ra một sự cố ở một phòng khám ở xã, huyện nào đó thì làm sao một Bộ trưởng nắm được. Nếu trong quản lý vĩ mô có vấn đề gì thì mới là trách nhiẹm của Bộ trưởng. “Các Sở chuyên ngành là cơ quan giúp việc cho UBND vậy thì ông phải có trách nhiệm với lĩnh vực mình được giao phụ trách” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại họp tổ (ảnh Quang Trung)
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại họp tổ (ảnh Quang Trung)
 
Nói về việc khó khăn khi cách chức một cán bộ trong ngành mình quản lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng kể lại câu chuyện trong ngành mình: “Bộ trưởng kiểm tra từ Bắc vào Nam thấy vi phạm không xử được ngay mà theo đúng qui trình phải có văn bản gửi thanh tra xử lý, hôm sau quay lại kiểm tra thì đương sự đã khắc phục xong rồi, không có căn cứ xử lý. Bộ trưởng không có quyền xử lý. Cho nên rất ráo riết kiểm tra chất lượng công trình nhưng không xử lý được mà dân vẫn kêu về chất lượng công trình.
 
“Muốn cách chức không cách chức được vì theo qui trình phải có họp kiểm điểm, mất cả tháng trời. Rồi lại xảy ra chuyện đi nhờ vả người này người kia can thiệp không thể cách chức được” – Bộ trưởng nói và quả quyết: “Nếu cách chức ngay thì không chạy được. Nhưng nếu làm thế thì lại vi phạm qui trình. Chỉ “vớ” được, bắt quả tang xử lý ngay thì mới được. Cách quản lý của ta hiện nay là thống nhất tập trung nhưng không rõ trách nhiệm và không qui được trách nhiệm.
 
Cùng chung băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM)  mong muốn trong luật cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ, phải có quy định thẩm quyền của Thủ tướng, để ông này có quyền, không cảm thấy vướng, khó, ràng buộc rồi đổ thừa cho cơ chế khi bộ máy thuộc Chính phủ vận hành không tốt.
 
“Đọc lại Hiến pháp mới thấy ràng buộc nhiều vấn đề Thủ tướng khó làm việc này. Trong điều hành, Thủ tướng thấy Bộ trưởng A, B không điều hành được thì có quyền đề xuất đình chỉ chức vụ, ít ra cho Thủ tướng quyền đình chỉ, nếu ông đình chỉ không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Nếu không thì không đảm bảo hiệu lực điều hành của Thủ tướng, nhất là trong tình hình hiện nay. Vấn đề cuối cùng vẫn là tập thể, vẫn là Đảng quyết định chuyện cán bộ nhưng phải có thẩm quyền cho người đứng đầu” – Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
 
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nếu sợ người đứng đầu độc đoán, độc quyền, trù dập cán bộ hay cục bộ thì trên Thủ tướng còn có Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện cán bộ nhưng phương thức phải tính để Chính phủ có quyền đề xuất bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền Thủ tướng. Cán bộ do một tổ chức, tập thể bổ nhiệm nhưng điều hành là Thủ tướng, nếu người cán bộ đó làm việc không được thì ai chịu trách nhiệm. Phải có cơ chế đánh giá lại cơ chế cán bộ, tại sao chúng ta làm tập thể, quyết định dân chủ nhưng bộ máy vẫn trì trệ trong nhiều năm?
 
“Với trình độ dân trí, nhận thức của người dân hiện nay, với tình cảm cách mạng của dân hiện nay, nếu ta đưa cán bộ ra cho dân, giữa đánh giá cán bộ của người dân và đánh giá cán bộ của tổ chức có cơ chế nào? Làm thế nào Chính phủ chịu trách nhiệm với bộ máy đó, làm thế nào có cơ chế đó?” – Bà Quyết Tâm đặt vấn đề.
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, Luật tổ chức Chính phủ tăng quyền cho Chính phủ nhưng phải cụ thể hóa trách nhiệm. Luật Tổ chức Quốc hội nêu cụ thể từng Ủy ban có chức năng gì, nhưng ở đây chức năng của các Bộ thì không rõ ràng. Nếu không rõ thì làm sao triển khai quản lý được. Lúng túng trong tư tưởng, lý thuyết thì việc quản lý sẽ có vấn đề, cho nên cần nêu cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.
 
Luật tăng quyền hạn cho Thủ tướng nhưng cũng phải tăng trách nhiệm. Trách nhiệm Chính phủ báo cáo trước Chủ tịch nước, Quốc hội chứ không có Thủ tướng, Chính phủ ở đây là tập thể rồi chứ không phải cá nhân Thủ tướng.
 
Ngoài ra, có một số công việc không nhất thiết phải do Chính phủ, Thủ tướng trình mà do Quốc hội thấy cần thiết thì yêu cầu trình. Ví dụ, ngay tại thời điểm này cơ cấu tổ chức bộ máy, nếu Chính phủ không trình thì liệu Quốc hội có làm không. Nếu vướng vào chuyện Quốc hội phải làm nhưng phải chờ Chính phủ trình thì sẽ khó./.
 
Theo VOV
.