Trong khi cơ quan soạn thảo chỉ dám đưa ra mức tăng thuế nhẹ, các chuyên gia lại đề xuất tăng mạnh thuế đối với thuốc lá từ mức 65% hiện tại lên 105% năm 2016 và 155% trong 6 năm tới.
So với kịch bản mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi, chỉ tăng thuế thêm 5% thì càng không có tác động tới việc giảm tiêu dùng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá và chỉ làm tăng thu thuế ở mức độ vừa phải.
“Thuế TTĐB đối với thuốc lá phải chiếm 70% giá bán lẻ và thuế phải là thuế tuyệt đối áp dụng đồng đều cho tất cả các loại sản phẩm” – bà Hoàng Anh nói.
So sánh giữa nhịp điều chỉnh nhanh, mạnh, nhiều lần giữa giá mặt hàng xăng dầu, sữa… với thuốc lá trên thị trường, bà Hoàng Anh băn khoăn: “Chính phủ không do dự khi tăng giá xăng dầu, tăng bất kể lúc nào, nhưng với thuốc lá lại quá khó khăn. Bao nhiều năm có cơ hội tăng thuế với mặt hàng thuốc lá thì lại không tăng, và nếu có thì bước thuế tăng rất ít. Mức thuế suất đưa ra của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi là quá thấp, chứ không nói gần như không tăng gì”.
Phải tăng mạnh thuế TTĐB thuốc lá lên 155%
Không những nêu lên tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, bà Phan Thị Hải – Phó chánh văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Vinacosh) còn dẫn số liệu thiệt hại về kinh phí do tác hại từ thuốc lá gây ra. Riêng năm 2012 người Việt “tiêu tốn” 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và hơn 23.000 tỷ đồng cho chi phí mua thuốc lá và điều trị 5 bệnh liên quan do thuốc lá gây ra. Trong khi thu ngân sách từ lĩnh vực này chỉ đạt gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2012 và gần 17.000 tỷ đồng năm 2013.
Với bước thuế suất chỉ điều chỉnh tăng thêm 10% sau 7 năm “kìm" giữ theo như dự thảo Luật thuế TTĐB, giá bán lẻ thực tế sẽ chỉ tăng khoảng 2,9% vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019, nhưng thu nhập bình quân đầu người thực tế đã tăng khoảng 4,8% hàng năm. Chính vì lẽ đó, sức mua thuốc lá vẫn tăng mạnh, dù giá thuốc lá “nhích” lên chút ít.
Còn tỷ lệ hút thuốc của nam hầu như không thay đổi, giữ nguyên ở mức 47,4% từ năm 2014 -năm 2020, trong khi mục tiêu của chiến lược quốc gia về tỷ lệ hút thuốc của nam là 39% vào năm 2020.
Xét trên khía cạnh thu thuế, với mức tăng như dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi, tổng thu thuế năm 2016 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2014 và tăng 10.800 tỷ đồng so vào năm 2019.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công cụ thuế đóng góp 50-60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá. "Phải tăng thật mạnh thuế đánh vào mặt hàng thuốc lá thì mới giảm sức mua và tỷ lệ sử dụng”- bà Hải nói và đưa ra 2 phương án đề xuất tăng thuế thuốc lá.
Ở cả 2 phương án, bước thuế suất điều chỉnh tăng qua các năm là 20%, thay vì bước thuế suất “rón rén” tăng thêm 5% theo đề xuất của cơ quan soạn thảo trong dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi.
Kịch bản thứ nhất, thuế TTĐB sẽ tăng từ mức 65% lên 85% vào năm 2015 và tăng lên 105% vào năm 2019 và 125% năm 2020. Mức thuế suất tăng theo phương án này mới chỉ giữ cho sức mua không đổi.
Đối với kịch bản đề xuất thứ 2, các chuyên gia cho rằng sẽ là phương án khiến giảm nhanh nhất tỷ lệ và tác hại hút thuốc lá tại Việt Nam. Theo đó, thuế suất TTĐB đối với mặt hàng này sẽ phải từ 65% hiện nay lên ngay 105% ngay trong năm 2015 tới và tăng lên 145% vào năm 2019. Tới năm 2020, thuế suất đối với thuốc lá phải là 155%.
Với mức thuế suất này, bà Hải nhấn mạnh, không những vẫn đảm bảo doanh thu thuế tăng mà thậm chí lớn hơn nhiều so với phương án của dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi đang trình”- bà Hải nhấn mạnh.
Cụ thể, theo tính toán của Vinacosh ở phương án tăng thuế thứ 2, mức tăng thêm doanh thu thuế năm 2015 so với năm 2014 khoảng 9.065 tỷ đồng và tăng thêm gấp 3 lần vào năm 2019, ở mức 27,491 tỷ đồng….
Nhấn mạnh thời điểm hiện tại là “cơ hội vàng” để Việt Nam tăng thuế thuốc lá. Bà Hoàng Anh quả quyết, “nếu bỏ lỡ cơ hội này để đến 2-3 năm sau mới xem xét tới việc tăng thuế thuốc lá thìnhiều thế hệ trẻ bây giờ sẽ trở thành … con nghiện của thuốc lá và hậu quả về lâu dài rất đáng lo ngại. Còn nguồn thu ngân sách từ thuế lại thiệt một khoản không hề nhỏ”.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hiện Việt Nam nằm trong 15 nhóm nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với tỷ lệ nam giới hút thuốc là 47,4% và 1,4% nữ giới. Khoảng 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc. Mỗi năm số ca tỷ vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá là 40.000 ca và sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030…
Theo infonet