Khi mà dự án "trụ sở nghìn tỉ" mới dừng ở chủ trương và đang gây nhiều tranh cãi thì ngay tại khu đất vàng trên đã "mọc lên" những biệt thự siêu "khủng".
 
Điều lạ ở chỗ, chủ nhân của những căn biệt thự này được phản ánh là quan chức, người nhà quan chức trong tỉnh. Liệu có hay không hiện tượng quan chức xây biệt thự trước để "đón quy hoạch"?
 
Có hay không quan chức "đón đầu" quy hoạch?
 
Người dân cả nước hẳn còn nhớ những chia sẻ thẳng thắn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ksor Phước: "Nhiều tỉnh xây trụ sở lộng lẫy khang trang, rất phản cảm. Trong khi dân còn nghèo, nước còn nghèo thì xây trụ sở lộng lẫy như cung điện để làm gì?". Thế nhưng, mặc cho các ĐBQH lên tiếng, mặc dư luận phản ứng, những trụ sở hoành tráng vẫn đua nhau "mọc lên". Hải Dương, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lai Châu... cũng đang lăm le dự án "lột xác" tòa nhà hành chính sao cho ngang tầm với những "đàn anh" Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu...
 
Hàng loạt ngôi nhà sang trọng xây dựng trên nền đất phân lô gần “trụ sở nghìn tỉ”. (Ảnh Infonet)
Hàng loạt ngôi nhà sang trọng xây dựng trên nền đất phân lô gần “trụ sở nghìn tỉ”. (Ảnh Infonet)
 
ĐBQH Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong một lần trao đổi với PV cũng từng nhận định: "Cái này chính xác là hiệu ứng domino. Tức là ông này xin được, xây được thì ông khác cũng muốn có, chí ít không hơn cũng phải bằng như thế. Đó là tâm lý chứng tỏ đẳng cấp". Sau hiệu ứng xây sân golf, trường đại học, cảng biển, sân bay... đã xuất hiện "mốt thời thượng"... xây trụ sở hành chính. Mà xây trụ sở có nghĩa là tiêu tiền ngân sách, tiêu hàng nghìn tỉ đồng...
 
Trong bối cảnh các Đại biểu Quốc hội đang trăn trở vì không có tiền thực hiện lộ trình tăng lương theo dự kiến; các dự án phục vụ dân sinh phải tạm dừng vì thiếu vốn; bệnh viện quá tải; trẻ em phải học trong những lớp tranh tre, nứa lá hay đu dây băng sông để đến trường... hỏi sao người dân không phản ứng? Họ càng bức xúc hơn khi xuất hiện những thông tin phản ánh việc "trụ sở nghìn tỉ" chưa xây, "quan" đã ở biệt thự triệu "đô" ngay cạnh (?!) Câu chuyện đã và đang diễn ra tại Hải Dương, nơi dự kiến "mọc lên" khu hành chính với dự kiến có tổng vốn đầu tư tới 2.000 tỉ đồng.
 
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, một phần không nhỏ đất tại đây đã được cắt ra, chia làm 26 lô biệt thự rồi bán đấu giá. Mỗi lô có diện tích từ hơn 200m2 đến gần 400m2. Khu đất vàng này đã được làm đường và là khu biệt thự duy nhất có mặt tiền nhìn ra quảng trường và "khu hành chính nghìn tỉ". Nhiều chủ Doanh nghiệp Kinh doanh Bất động sản dự đoán, nếu "khu hành chính nghìn tỉ" được xây dựng thì giá trị của những lô đất này có thể được nhân lên gấp nhiều lần(?!).
 
Lợi ích nhóm hay "hội chứng đua đòi"?
 
Từ lâu dư luận đã phản ánh nhiều về hiện tượng xây nhà "đón" quy hoạch, thế nhưng, chuyện xây biệt thự hàng triệu "đô" để chờ "trụ sở nghìn tỉ" thì mới phát sinh. Bản thân các khu hành chính tại Đà Nẵng, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu... dù bị phản ánh là vô cùng lộng lẫy và khang trang nhưng cũng không thấy nhắc đến hiện tượng đón đầu quy hoạch này. Liệu, Hải Dương có phải trường hợp cá biệt?
 
Câu chuyện xảy ra tại Hải Dương đã và đang được một số cơ quan báo, đài nhập cuộc phản ánh. Tạm thời không bàn đến chuyện đúng, sai nhưng sự việc trên đã phần nào phản ánh một hiện tượng dường như đang manh nha trong bài toán quy hoạch. Dư luận đặt câu hỏi, cùng với "mốt" xây trụ sở hành chính hàng nghìn tỉ, liệu có xuất hiện thêm hiện tượng quan chức, hoặc người nhà của họ "đi tắt đón đầu" quy hoạch? Và, liệu có lợi ích nhóm đằng sau những tòa nhà này?
 
Trong cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặc biệt lo ngại đến tình trạng "chấm mút" đằng sau "hội chứng" xây trụ sở hoành tráng này. Động thái xây trụ sở mới của Bình Dương đã khiến một số tỉnh khác lập tức noi theo. Câu chuyện của Hải Dương cũng tương tự như vậy. Theo TS. Liêm, hiện nay, có một cách mà nhiều địa phương đã và đang muốn áp dụng là chuyển nhượng trụ sở cũ để có tiền xây dựng mà không cần ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
 
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, khi chưa bán được trụ sở cũ, chắc chắn phải đi vay tiền thực hiện dự án. Đến khi thực hiện xong mà không bán được sẽ phải tính chuyện đổi trụ sở cho doanh nghiệp theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Những vấn đề này đều liên quan đến lợi ích nên cần phải tính toán kỹ lưỡng để tránh xảy ra tình trạng "chấm mút". "Việc bán này có công khai, minh bạch không? Xây cái mới có "hoa hồng", phần trăm không? Với những thông tin phản ánh về hiện tượng quan chức đã xây sẵn biệt thự chờ trụ sở hành chính, cần các cơ quan chức năng xác minh làm rõ", TS. Liêm nhấn mạnh.
 
Cũng liên quan đến câu chuyện xây biệt thự "khủng" đón "trụ sở nghìn tỉ", một chuyên gia bất động sản cho rằng, cần phân định rõ hai việc. Câu chuyện xây trung tâm hành chính và triển khai cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân được sử dụng phải được tách bạch. "Đối với dự án xây trụ sở hành chính của tỉnh Hải Dương, cần làm rõ có nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được duyệt không? Nếu nằm trong quy hoạch được duyệt thì phải tiến hành đấu giá, thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Thông tin phản ánh về hiện tượng phân lô, bán nền cũng cần được xác minh một cách chính xác xem có đúng pháp luật hay không. Nếu có hiện tượng quan chức "đi tắt đón đầu" thì phải xử lý nghiêm", vị này nhấn mạnh.
 
Lo lắng của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, thời gian vừa qua, dư luận cũng vô cùng bức xúc về thực trạng chia chác phần trăm trong các dự án đầu tư công. Người dân có quyền hoài nghi sự trong sáng của những dự án mà ở đó không có sự hiện diện của quyền lợi chung? Chưa kể, để một công trình hoành tráng mọc lên phải vượt qua những hàng rào thủ tục, giấy phép, con dấu. Để bán được trụ sở cũ cũng phải theo trình tự và những quy định của pháp luật, bởi đó là tài sản của Nhà nước... Tại sao, các tòa nhà hành chính vẫn liên tục mọc lên khiến dư luận băn khoăn.
 
Hướng tới một nền hành chính tiến bộ với trụ sở làm việc hiện đại là mục tiêu chính đáng. Thế nhưng, hình thức chỉ là yếu tố thứ yếu, điều người dân cần hơn cả là năng lực giải quyết công việc và trách nhiệm phục vụ tận tâm của những người ngồi trong các tòa cao ốc hoành tráng đó!
 
Các địa phương phải tính toán kỹ
 
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, những địa phương muốn "thay mới" trụ sở hành chính phải xem xét đầy đủ hai mặt. Những khu hành chính cũ đã xuống cấp hay chưa, địa phương đã thật sư bức xúc về địa điểm làm việc của các cơ quan hành chính do trụ sở làm việc trước đây đã cũ, xuống cấp hay chưa? Nếu địa phương nào chưa thật sự cần thiết nhưng muốn xây trụ sở mới thì phải tính toán lại xem có thật cần hay không. Đảng, Chính phủ sẽ rất kiên quyết và quyết tâm triệt để tiết kiệm.

 

 
Theo Người Đưa Tin
.