Ngày 29/11/2012, Tổng Biên Tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Tấn Phong đã ký Quyết định số 850/QĐKL/TBT về việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Phóng viên Đặng Thị Hàn Ni (bút danh Hàn Ni), trực thuộc Ban Kinh tế Báo Sài Gòn Giải Phóng vì đã có hành vi ẩu đả và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác tại nơi làm việc, vi phạm nghiêm trọng nội quy, kỷ luật, đạo đức, tác phong, làm ảnh hướng đến trật tự, kỷ cương, kỷ luật và uy tín của cơ quan Báo Sài Gòn Giải Phóng.

 
Điều chuyển phóng viên Hàn Ni xuống làm nhân viên khai thác phát hành
 
Hình thức kỷ luật này được phổ biến đến cán bộ-công nhân viên chức toàn cơ quan Báo Sài Gòn Giải Phóng để rút kinh nghiệm chung. Ngoài hình thức kỷ luật nghiêm khắc này, Ban Biên Tập Báo cũng ban hành Quyết định điều chuyển phóng viên Hàn Ni về làm nhân viên khai thác phát hành báo.
 
Được biết trước đó, Hàn Ni cũng là phóng viên từng tham gia trong loạt bài viết sai sự thật về hoạt động của Hội Chống gian lận thương mại & Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM - AFCA (Báo Nhà báo và Công luận từng phản ánh). Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Trình, Chánh Văn phòng AFCA cung cấp bằng chứng cho thấy: Hội này vẫn đang hoạt động bình thường tại số 600 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TPHCM và thường trực đón tiếp rất nhiều người tiêu dùng, nhưng phóng viên Hàn Ni lại viết báo xuyên tạc cho rằng AFCA đang “mất tích” ???.
 
Có thể nói, trong thời gian gần đây, một số phóng viên cơ quan báo chí đang bộc lộ rõ sự sa sút về đạo đức nghề nghiệp, tha hóa trong nhân cách con người và vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người làm báo. Trên các báo xuất hiện ngày càng nhiều thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp…gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan chức năng và xâm phạm quyền lợi của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Trước đó, ngay chính Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phải cảnh báo 4 nhóm vấn đề về sai phạm của một số nhà báo trong thời gian gần đây, đó là: Đưa thông tin sai các vấn đề về tư tưởng chính trị, do nhận thức non kém; những sai phạm về thông tin đối ngoại, do sự tắc trách cẩu thả; đưa tin sai và không có lợi về kinh tế do không hiểu thấu đáo vấn đề hoặc có động cơ không tốt; đưa thông tin về các vấn đề xã hội nhưng giật gân để "câu khách". “Vấn đề cần lưu ý đối với người làm báo hiện nay là bản lĩnh chính trị, tay nghề và đạo đức, trong đó đạo đức nghề nghiệp là chủ đạo. Cái sai chủ yếu bắt nguồn từ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nên chăng, tuyển sinh nghề báo cũng cần xem xét lý lịch, nhân thân, đạo đức một cách nghiêm ngặt như các trường Công an, Quân đội; Cùng với đó, cần coi trọng công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ báo chí…” - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nhận xét.
 
Theo TRỌNG HIẾU
Nhà báo & Công Luận