Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên chọn một quan chức chính phủ từng du học ở Mỹ và là gương mặt quen thuộc với giới đầu tư phương tây vào cơ quan ra quyết định cao nhất, trong khi nước này đang tìm cách vực dậy nền kinh tế, Bloomberg nhận xét. 

 

>> Bộ Chính trị có thêm 2 ủy viên

 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Châu An
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Châu An
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, 59 tuổi, Phó thủ tướng, người có bằng Thạc sĩ ngành quản trị công từ trường Đại học Oregon, vừa được chọn tham gia vào Bộ Chính trị trong một cuộc họp của ủy ban trung ương Đảng. Ông Nhân từng là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khi Intel quyết định rót 1 tỷ USD để xây nhà máy mới tại thành phố này.
 
"Tôi đã cùng ông ấy sang Mỹ, nơi ông ấy thuyết trình bằng slide PowerPoint cho các nhà đầu tư tiềm năng, và cách tiếp cận của ông ấy thể hiện đẳng cấp thế giới", Fred Burke, Tổng giám đốc công ty luật Baker & McKenzie (Vietnam) có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Ông Burke đã biết ông Nguyễn Thiện Nhân hơn một thập kỷ nay. "Ông ấy thuộc về một thế hệ mới với nhiều kinh nghiệm quốc tế đáng kể", ông nói.
 
"Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương tây", ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra. "Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời".
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bộ trưởng Giáo dục, quê gốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều khiển học tại Đông Đức năm 1979 và từng làm giảng viên trước khi tham gia chính trị. Ông tham gia chương trình học bổng Fulbright, với trường nhận học là Đại học Oregon, theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
 
Nhiều lãnh đạo của Việt Nam đều trưởng thành trong chiến tranh và học tập ở trong nước hoặc tại các nước thuộc khối Xô Viết và đây là lần đầu tiên có một ủy viên Bộ Chính trị tốt nghiệp từ các trường Mỹ, hãng tin Mỹ nhận xét.
 
Đảng Cộng sản Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, vốn bị cản trở bởi tăng trưởng tín dụng chậm do sức khỏe của hệ thống ngân hàng và các công ty nhà nước. Việt Nam bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế thị trường tự do hơn vào năm 1986 và mở sàn chứng khoán năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.
 
"Đối với một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, những lựa chọn như tinh giản khu vực nhà nước sẽ không còn khó khăn như đối với những người tiền nhiệm của họ", Zachary Abuza, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Simmons, Boston, người có chuyên môn về Đông Nam Á, dự đoán..
 
Việt Nam là một trong 12 quốc gia Thái Bình Dương đang đàm phán để tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm nay và năm sau xuống còn 5,2%.
 
Người phụ nữ thứ hai
 
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chính giữa) và bà Tòng Thị Phóng (phải). Ảnh: VnExpress
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chính giữa) và bà Tòng Thị Phóng (phải). Ảnh: VnExpress
 
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng được bầu và trở thành thành viên nữ thứ hai của Bộ chính trị, sau khi bà Tòng Thị Phóng, người được bầu năm 2011. Sau khi thêm hai thành viên mới, Bộ Chính trị Việt Nam hiện có 16 người.
 
Bộ Chính trị là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Việt Nam, theo Abuza từ Đại học Simmons. "Họ không phải lúc nào cũng quản lý vi mô về chính sách, nhưng họ đặt ra giới hạn trong đó các chính sách có thể được thi hành", Abuza nói. "Nếu có một quyết định quan trọng, họ chính là những người ra quyết định đó".
 
Theo Trọng Giáp/VnExpress 
(theo Bloomberg)