(BVPL) - Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) dự kiến sửa đổi 15 điều; bổ sung 03 điều; bãi bỏ 07 điều, 01 khoản. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm cập nhật các quy định của các đạo luật mới được ban hành sau Luật LLTP hiện hành và giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật LLTP năm 2009.

Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận thấy, nhìn chung, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đầy đủ các thủ tục theo luật định, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành tổng kết việc thi hành Luật, đánh giá tác động của dự thảo Luật, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong lĩnh vực pháp luật về lý lịch tư pháp. Đồng thời, đã tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đối với dự án Luật theo quy định. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến.

Tuy nhiên, UBTP cho rằng, hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hơn. Mặc dù số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng nội dung có sự thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng (chủ thể) được điều chỉnh của Luật. Do vậy, đối với từng phương án sửa đổi cụ thể, báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn. Ví dụ: về phương án bỏ quy định Phiếu LLTP số 2, báo cáo mới đánh giá đối với nhóm đối tượng có án tích (chiếm tỷ lệ nhỏ) mà chưa đánh giá được tác động tiêu cực, tích cực của phương án này đối với các nhóm đối tượng không có án tích (chiếm tỷ lệ lớn).


UBTP cơ bản tán thành các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật LLTP được nêu trong Tờ trình, nhất là việc tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp và các đạo luật về tư pháp mới được thông qua và yêu cầu bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Tuy nhiên, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, cụ thể là: BLHS 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Điều 89 của BLHS 2015 quy định pháp nhân thương mại bị kết án có đủ điều kiện thì đương nhiên được xóa án tích. Điều 446 của BLTTHS 2015 cũng quy định: “trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”. Trong khi Tờ trình nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là việc sửa đổi Luật LLTP nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhất là chế định đương nhiên xóa án tích được quy định trong BLHS 2015 và BLTTHS 2015, nhưng Tờ trình và dự thảo Luật lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật LLTP thì một trong các mục đích quan trọng của quản lý LLTP là hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. Theo quy định của BLHS 2015, thì án tích là một trong các tình tiết xác định cấu thành tội phạm, tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Trong số 33 tội danh thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, thì có tới 17/33 tội danh quy định tình tiết “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là tình tiết định tội, trong đó có 14/17 tội danh đồng thời quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng; có 11/33 tội danh quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP của pháp nhân thương mại để hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự là rất cần thiết.

Xuất phát từ yêu cầu trên, UBTP cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo Luật là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc bổ sung nội dung trên là chưa thể thực hiện được. Bởi vì, theo quy định tại Điều 2 Luật LLTP, thông tin về LLTP bao gồm án tích và tình trạng thi hành án. Theo đó, các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự.

Để có đủ cơ sở quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào Luật LLTP, UBTP cho rằng, việc trình Quốc hội sửa đổi Luật LLTP cần thực hiện sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự được thông qua (tháng 10/2018). Ngoài ra, quy định tại Điều 33 Luật LLTP hiện hành về cập nhật thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích vẫn phù hợp với quy định về đương nhiên xóa án tích của BLHS 2015 và BLTTHS 2015 đối với cá nhân. Vì vậy, việc lùi thời hạn trình dự án Luật LLTP như trên cơ bản không ảnh hưởng tới việc thi hành BLHS 2015 và BLTTHS 2015. Theo quy định tại Điều 57 Luật LLTP, trường hợp cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung này.

Từ các lý do trên, để bảo đảm tính đồng bộ, tránh việc phải sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LLTP ngay sau khi Luật mới được thông qua để phù hợp với Luật thi hành án hình sự, UBTP đề nghị UBTVQH cân nhắc giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị dự án Luật LLTP (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tiếp theo.
 

Minh Triết

.