Hình ảnh bà mẹ tướng cướp Hồ Duy Trúc khóc lóc, kêu gào, quỳ lạy HĐXX khi đứa con mới 20 tuổi bị tuyên án tử, đã gây nên bão cảm xúc trong công chúng.
Nhiều người đã thông cảm cho sự phát cuồng trong nỗi đau của một bà mẹ mất con, nhưng nhiều người khác đã muốn trừng trị ngay cả người mẹ ấy vì đã gây náo loạn phiên tòa và có những phát ngôn tiếp tay cho tội ác: “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH - PV) tại tòa”. Một người thân khác của bà mẹ này thậm chí còn “hợp lý hóa” hành động man rợ của tên tướng cướp: “Ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.
Với lối tư duy và giáo dục con như vậy, có thể nói Hồ Duy Trúc đã bị chính gia đình mình vô tình “kết án” từ rất sớm.
Những giọt nước mắt muộn màng của gia đình hung thủ ấy rồi cũng sẽ cạn, khi nỗi đau nguôi ngoai. Nhưng nước mắt xã hội thì có thể còn tiếp tục chảy dài.
Tại phiên tòa, không chỉ có gia đình hung thủ khóc, mà ngay cả nạn nhân bị chặt tay cũng rơi lệ. Nhưng nước mắt ấy không rơi cho sự thương cảm mà rơi cho nỗi run sợ.
Tại sao lại xảy ra nghịch lý: Kẻ thủ ác bị tuyên án tử thì nhơn nhơn, lạnh lùng, vô cảm, còn người đòi được công lý, lại vẫn phải run sợ bọn chúng khi đứng giữa công đường?
Tại vì trong công đường nghiêm minh ấy, những kẻ tụt quần ăn vạ, đánh luật sư, sỉ nhục thẩm phán, đe dọa nạn nhân trong phiên tòa hôm ấy, vẫn có thể lộng hành mà không bị trừng trị.
Tại vì ngoài xã hội, đi đến đâu, người dân cũng có thể gặp trộm cướp. Thậm chí ngồi chơi trong chính ngôi nhà của mình, với chiếc Ipad cầm trên tay, còn bị kẻ cướp ngang nhiên xông vào cưỡng đoạt.
Ở cái thành phố mà kẻ chặt tay người cướp SH ấy sinh sống và tung hoành, ngay giữa khu phố có nhiều du khách Tây nhất, hướng dẫn viên du lịch phải cảnh báo từng người: Đi đường, đừng có cầm bất cứ vật quý nào trên tay, kẻo bị giật mất giữa ban ngày.
Mỗi sáng, đọc báo chí, thấy những tin xấu nối đuôi xếp hàng dài như duyệt binh; mỗi tháng thấy nhiều nhân viên bảo vệ pháp luật, quan chức ăn bẩn bị phanh phui, mà cũng thấy niềm tin như bị chém lìa.
Vụ chặt tay phụ nữ cướp SH khi ấy đã vang vọng tới thành phố đáng sống nhất Việt Nam và vang lên một lần nữa trong sự phẫn nộ của ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh đã phải thốt lên: "Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém. Không thể chấp nhận được! Tôi ở trong Quốc hội, sau này có lẽ cũng phải đấu tranh, nghiên cứu sửa đổi lại luật lệ như thế nào. Cướp mà có vũ khí chống trả là có quyền bắn hạ. Phải làm như hồi mới giải phóng, ăn cướp nhan nhản, phải thành lập các đội săn bắt cướp, tiêu diệt để giữ bình yên cho dân. Chừ nhờn dần rồi!".
Có thể ai đó cho rằng, bản án tử hình là quá nặng đối với kẻ gây ra 17 vụ cướp chém tàn bạo làm trọng thương 7 người, nhưng đa số còn lại sẽ không nghĩ thế.
Không thể chỉ dùng "nhân trị" để đối phó với tội ác trong một xã hội mà nỗi sợ cái ác đang lớn lên từng ngày. Đà Nẵng có được sự yên bình, một phần vì ông Nguyễn Bá Thanh và cộng sự có thái độ, hành động căm phẫn tột cùng cái ác.
Để những lương dân không còn phải run sợ hung thủ dù đang đứng trước cơ quan bảo vệ pháp luật; để nước mắt đa số không còn phải chảy dài, đôi khi, cần chấp nhận bước qua nước mắt của thiểu số muốn níu kéo, dung dưỡng, thương cảm cho kẻ thủ ác.
Theo Trí thức trẻ