Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6, diễn ra ở Đà Nẵng từ ngày 24-28/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp ông Takehiko Nakao – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tại buổi tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam, một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát trần nợ công dưới 65%, phát triển thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an sinh xã hội...  Việt Nam cam kết sử dụng hết 613 triệu USD nguồn vốn ADF (là nguồn vốn của Quỹ phát triển châu Á- có kỳ hạn khá dài và lãi suất ưu đãi) còn lại trong năm 2018 trước khi tốt nghiệp ADF từ năm 2019.

leftcenterrightdel
Thủ tướng tiếp Chủ tịch ADB, Takehiko Nakao 

Thủ tướng cũng đề nghị ADB tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tư vấn chính sách; phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các nhà tài trợ khác nhằm huy động nguồn vốn viện trợ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam; đề nghị ADB huy động thêm nguồn vốn viện trợ để giảm lãi suất vay hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế và giảm nghèo tại Việt Nam.

Ngài Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp lần thứ hai trong năm nay, Chủ tịch đánh giá cao thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 7,4% trong Quý I-2018 (mức tăng trưởng trong quý đầu cao nhất trong vòng 10 năm qua) cũng như những nỗ lực kiềm chế thâm hụt tài khóa giúp giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.

Ngài Chủ tịch cũng cho biết, ADB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy việc sử dụng các nguồn vay của ADB hiệu quả, trong đó có các dự án về nguồn nước và cải cách về tài chính. Hiện ADB đã nhận được đề nghị của Thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ các dự án chống sạt lở bờ biển, phát triển một số cơ sở hạ tầng Thành phố.

“ADB cam kết về việc hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao, với ngân sách ADB dành sẵn lên tới 1 tỷ USD mỗi năm cho các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh”, ông Nakao khẳng định.

Trong khuôn khổ của chương trình, Chủ tịch ADB đã có buổi thảo luận với Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về các hoạt động hỗ trợ hiện tại của ADB nhằm cải thiện cấp nước và quản lý rác thải tại Đà Nẵng và thăm quan Trung tâm Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) - được hỗ trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Kinh doanh Mê-kông, do ADB và Chính phủ Ôx-trây-lia tài trợ.

Trung tâm Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng cung cấp những dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp và phối hợp với chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học để giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng khởi nghiệp, bao gồm thúc đẩy công nghệ xanh nhằm giải quyết những thách thức về môi trường và tắc nghẽn giao thông của Đà Nẵng. DNES đã ươm tạo và đầu tư vào khoảng 30 công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu trong thời gian vừa qua với sự giúp đỡ của ADB.

leftcenterrightdel
Tham quan Trung tâm Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) 

Tại buổi tham quan, ngài Nakao đã được nghe giới thiệu về một số hoạt động, sự hỗ trợ của ADB đối với Vườn ươm cũng như được tương tác, lắng nghe ý kiến của một số doanh nhân, các bạn trẻ.

Trong quá trình trao đổi, Chủ tịch Nakao cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy năng suất lao động của người lao động Việt Nam nằm trong số thấp nhất ở Châu Á Thái Bình Dương - bằng 1/5 củaMalaysia, 2/5 của Thái Lan và 1/15 của Singapore.

Đối với thế hệ tiếp theo của Việt Nam, tinh thần kinh doanh và đổi mới sẽ cần trở thành động lực chính để tăng trưởng và thích ứng với công nghệ mới để cải thiện sản xuất sẽ là trọng tâm của nền kinh tế đổi mới mà Việt Nam mong muốn trở thành.

Để thay đổi được điều này và để Việt Nam thành công trong việc trở thành một quốc gia đổi mới, các thành phố như Đà Nẵng cũng sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân, và thu hút tài năng về thành phố. Đồng nghĩa với thành phố sẽ cần cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối để giảm khoảng cách thị trường nhằm chuyên môn hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng.

“ADB sẽ tiếp tục tham gia vào hệ sinh thái đổi mới kinh doanh của Việt Nam tại Đà Nẵng, hỗ trợ cho các vườn ươm doanh nghiệp địa phương vận hành chương trình khởi nghiệp sáng tạo Mekong Startative Startups trong du lịch (MIST) nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh du lịch sáng tạo, thúc đẩy du lịch toàn diện và bền vững hơn ở Việt Nam”, Ông Nakao nhấn mạnh.

Lê Tâm