Để trả lời cho câu hỏi này, đã có nhiều cuộc hội thảo và ý kiến phân tích của các chuyên gia, chính quyền địa phương… Chúng tôi ghi nhận góc nhìn từ du khách trong và ngoài tỉnh - những người trực tiếp trải nghiệm và đánh giá về những điều được và chưa được của du lịch (DL).
 
 
Chị Bùi Thu Huyền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nào cũng về “cúng bà” tại TP. Châu Đốc để cầu mong làm ăn thuận lợi, tuy nhiên, gia đình chỉ tranh thủ đi và về trong ngày vì không có nhiều thời gian đi hết các điểm lân cận. “Ấn tượng của tôi là xung quanh miếu bà có rất nhiều người bán hàng, họ bán đồ si, đủ thứ hàng hóa của Thái Lan, dịch vụ hoa trái cúng bà… nhưng lại rất khó để mua 1 món quà lưu niệm, ngoại trừ việc mua đặc sản mắm làm quà”. 
 
Không chỉ chị Huyền mà rất nhiều du khách đi theo tour đều chọn đến những điểm có thể vừa tham quan, vừa mua sắm. Việc thiếu sản phẩm DL và dịch vụ lưu trú khiến nhiều điểm dù rất hấp dẫn nhưng không níu giữ được khách ở lại lâu hơn. Một số người còn nhận ra “đặc điểm chung” của các điểm tham quan không chỉ trong tỉnh mà ở đâu cũng có là bán quần áo, nón in chữ có tên địa phương, bán rất nhiều hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan, quà lưu niệm na ná nhau, khó tìm mua 1 món hàng đặc trưng của địa phương để kỷ niệm. Một lý do khách “chán” lưu trú nữa là phần lớn đến các điểm DL nếu ở lại ban đêm họ không biết phải làm gì, không có dịch vụ vui chơi hay ăn uống hấp dẫn.
 
Đến hình ảnh con người
 
Mỗi người dân địa phương cần là một hướng dẫn viên DL, muốn vậy bản thân họ phải nhận thức được tầm quan trọng của DL đối với đời sống cá nhân nói riêng, sự phát triển của địa phương nói chung và xây dựng hình ảnh con người DL. Anh Nguyễn Phi Hùng (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đã nhiều lần về TP. Châu Đốc và rất ấn tượng về tính cách con người nơi đây. Mọi người đôn hậu và nhiệt tình đúng chất miền Tây, khi tôi muốn hỏi đường, thắc mắc điều gì, mấy chú chạy xe “ôm” luôn chỉ dẫn nhiệt tình. Tôi tự hỏi ở Châu Đốc số người chạy xe Honda đầu và xe lôi khá nhiều, sao không tận dụng họ trở thành đội cung cấp dịch vụ, kiêm hướng dẫn viên như các thành phố xứ biển vẫn làm?”. 
 
Chị Trần Trúc Ly (Đồng Tháp) kể, lần đầu đi dịch vụ xe Honda đầu lên núi Cấm, khi trở xuống núi, chị và một người bạn được tài xế mời và cam đoan “chở 3” được. Thế nhưng, dọc đường núi dốc chốc lát lại bị tài xế yêu cầu xuống bớt 1 người đứng đợi, đến trạm kiểm tra tài xế còn cự cãi với Công an, kết cục chị và người bạn bị bỏ giữa đường và phải thuê chiếc xe khác. “Có những quy định nên để nội quy hẳn ở nơi đầu tiên để khách dễ thấy. Hơn nữa, khi có vấn đề cần xử lý, mọi người phải nhớ còn có khách nữa chứ”.
 
Đa phần du khách hiện nay còn thiên về nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng nên thích những nơi có điều kiện, khung cảnh đẹp, chụp ảnh, ăn uống, thưởng thức. Tâm lý đi đâu về cũng phải có quà, dù là quà lớn hay nhỏ nên đòi hỏi địa phương cần phát triển sản phẩm DL đặc thù thay vì đơn điệu hoặc bán những sản phẩm phổ biến. Để DL giữ chân khách tốt hơn, cần có sự đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các điểm DL kết nối với nhau để “kéo dài chuyến đi” cho du khách, kèm theo đó là xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm…
 
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
.