Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn… từ lâu đã trở thành điểm phải đến của khách lữ hành trong và ngoài nước, nhất là du khách Âu, Mỹ.
Trong hành trình về miền đất lửa, chúng tôi đi ngược từ bên đây vĩ tuyến trước khi rẽ vào đường Chín lên Tây Trường Sơn. Điểm dừng chân đầu tiên là Thành cổ Quảng Trị. Những gì còn lại là hào sâu bao quanh những cổng thành đổ nát. Lối vào chính đã được trùng tu để du khách ra vào an toàn. Ba cửa còn lại được đóng kín.
Ngay trung tâm trên nền đất thành cổ gò hình bát úp với 81 bậc thang tượng trưng cho 81 ngày đêm hứng bom đạn đổ xuống mảnh đất chỉ hơn ba cây số vuông này. Bên trên là ngọn đèn cao 8,1 mét nằm sát mái đình Việt cách điệu. Công trình này tưởng niệm về những người đã ngã xuống cho thống nhất hai miền vốn bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải.
Dâng hương và hoa xong, trước khi vào bảo tàng xem chứng tích về những ngày lửa đạn, hướng dẫn viên di tích Thành cổ mời khách đứng lại để nói thêm về chuyện ở mảnh đất này. Nắng nóng giữa trưa hè Quảng Trị nhưng ai nấy đều trầm ngâm, lắng nghe từ lời một. Người ta không thể tưởng tượng được bình quân mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo.
Rất nhiều người không hy sinh vì trúng bom mìn mà vì những dư chấn của nó sau khi rơi vào thành cổ. Giọng cô hướng dẫn trầm bổng như những con sóng xô trên dòng Thạch Hãn. Nhiều người không cầm được nước mắt. Có người lặng lẽ quay đi. Cuối cùng, ai cũng vỡ òa khi cô hướng dẫn trích đọc bức thư của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh gởi cho mẹ và vợ mới cưới được vài ngày rồi anh đi, khi biết mình sẽ nằm mãi ở đất này. Những giọt nước mắt lăn dài. Vài người ngồi khụy vì không đứng được nữa…
Ngôi thành được xây dưới các vị vua triều Nguyễn giờ không phục dựng bởi những người đã nằm dưới mảnh đất này. Chỉ còn lại rất ít những viên gạch ở những bờ tường rêu phong đổ nát ở ba phía. Ở cổng Tây thành cổ, người ta xây dựng tháp chuông. Cùng với ngọn đèn trung tâm thành cổ, tháp chuông như để kết nối linh hồn với người đã khuất.
Cách cổng Tây chừng 300 mét là sông Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt - nơi lão ngư Triệu Phong miệt mài đưa chiến sĩ từ bên kia bờ tiến vào thành cổ nhưng có nhiều người chưa kịp lên bờ đã vĩnh viễn nằm xuống lòng sông. Ngày nay, ở ngay bến đò chi viện, có một lư hương được xây dựng trên mặt nước để du khách dâng hương và thả vòng hoa tưởng niệm.
Cách thành cổ chừng non một cây số là chứng tích chiến tranh của ngôi trường Bồ Đề còn đầy dấu bom đạn. Đi thêm khoảng 5km nữa là đến Trung tâm hành hương La Vang. Ở đó, có ngôi nhà thờ cổ mang kiến trúc La Mã chỉ còn trơ trọi gác chuông. Giáo xứ giữ nguyên chứng tích và không phục dựng lại như một minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh trên đất lửa Quảng Trị. Tháp chuông ấy ngày nay vẫn vững chãi.
Ngược ra hướng Bắc chừng 40km là cây cầu lịch sử Hiền Lương, nơi từng được đánh dấu chia cách đôi bờ đất nước. Cầu bắc qua sông Bến Hải. Sông đổ ra Cửa Tùng là điểm du lịch nổi tiếng Quảng Trị được hình thành từ thời Pháp thuộc. Dọc theo đường biển, từ Cửa Tùng đi theo đường ven biển qua Gio Hải, Gio Linh… là tới địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Hệ thống địa đạo dài hơn hai cây số nhưng lấy hết 18.000 ngày công của các chiến sĩ dể xây dựng 3 tầng đường, chỗ sâu nhất hơn 20 mét. Đó là một căn cứ quân sự chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Địa đạo có cả hội trường, bệnh xá… và là nơi trú ẩn của khoảng 1.200 người, cả chiến sĩ và người dân.
Ngày nay, địa đạo là điểm phải đến ở Quảng Trị. Hàng ngày, có nhiều đoàn khách đến thăm, trong đó, có đông người nước ngoài. Chinh phục xong 3 tầng đường địa đạo trong lòng đất, du khách không khỏi khâm phục sự kiên nhẫn và kiên cường của quân dân ta trong cuộc chiến.
Đất lửa Quảng Trị không chỉ là điểm về nguồn để tri ân mà còn là điểm đến đầy thú vị mang đặc trưng của một tỉnh nhỏ nằm ngay khúc ruột miền Trung, giữa các bờ di sản. Ở đó, còn có biển nằm dọc theo chiều dài Quảng Trị và cung đường Đông và Tây Trường Sơn huyền thoại.
Theo Du Miên (Báo Cần Thơ)