Đà Lạt, từ lâu đã trở thành địa danh nổi tiếng trong bản đồ du lịch. Giờ đây, miền đất này còn được biết đến với nhiều loại đặc sản rau, hoa công nghệ cao, atisô, dâu tây… Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đang mở ra triển vọng của loại hình “du lịch vườn” trên cao nguyên.
Đà Lạt có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Từ những năm 90 thế kỷ trước, Đà Lạt đã chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và triển khai mạnh mẽ hơn mười năm gần đây. Hiện thành phố có hơn năm nghìn hecta sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều diện tích rau, atisô, dâu tây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hơn 130 nông hộ, doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, “Hoa Đà Lạt” và mới đây, cà phê Arabica Đà Lạt đã lọt vào chuỗi Starbucks tại Mỹ. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, mở ra loại hình du lịch mới trong hành trình khám phá, trải nghiệm phố núi mộng mơ.
Đơn cử, nhiều du khách đến khu du lịch hồ Than Thở, TP. Đà Lạt đều ngỡ ngàng trước vườn dâu tây công nghệ cao của Công ty Biofresh. Chủ doanh nghiệp là ông Nghiêm Văn Minh, một Việt kiều đã định cư ở Pháp hơn 40 năm. Ông “bén duyên” với nông nghiệp Đà Lạt từ những chuyến về thăm quê. Ông cho rằng, nước Pháp là quê hương đích thực của dâu tây, nhưng phố núi Đà Lạt thật sự là mảnh đất màu mỡ cho loại cây này. Tại đây, toàn bộ dâu tây được trồng trong nhà kính hiện đại, với quy trình và kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sản phẩm sạch. Vững tin vào thành công ban đầu, ông Minh tiếp tục mở rộng dự án, xin địa phương giao thêm 10 ha để trồng dâu tây. Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Ðầu tư thương mại và Du lịch Lâm Ðồng Vũ Văn Tư, ý tưởng gắn kết du lịch với sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt - Lâm Ðồng đã có từ cách đây hơn 5 năm. Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng, chúng ta phải nâng lên thành khái niệm làng nghề, làng nghề kiểu mới, phải liên kết thành chuỗi, tuyến; khi đó mới có cơ chế về tiếp khách du lịch, quyền và trách nhiệm của hãng lữ hành với nông dân, ý thức của người dân trong làng nghề, trong chuỗi...
Thời gian qua, TP Đà Lạt đã hướng dẫn một số nhà vườn dành khu vực riêng để vừa sản xuất, vừa tạo điều kiện cho du khách tham quan. Hiện, các điểm “du lịch nhà vườn” được địa phương chọn, giới thiệu đến du khách tại TP. Ðà Lạt đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, yếu tố liên kết vẫn đang được chính quyền thành phố đặt ra. “Ðưa một loại hình du lịch mới vào hoạt động, phải có phương thức tổ chức hợp lý. Cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc đơn vị kinh doanh du lịch, nhà nông, doanh nghiệp trong chuỗi tham gia. Trong đó, việc chia sẻ lợi ích phải được tính toán thận trọng” - Phó Chủ tịch UBND TP. Ðà Lạt Nguyễn Vĩnh Phúc cho hay.
Từng bước tạo dựng sản phẩm du lịch được đánh giá nhiều tiềm năng và lợi thế, gắn kết nhà nông với hoạt động du lịch, “níu chân” du khách ở lại lâu hơn trên phố núi, tại kỳ Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, UBND TP. Đà Lạt đã bình chọn, công nhận 25 điểm “du lịch nông nghiệp công nghệ cao” trên địa bàn thành phố, gồm các công ty, trang trại và nông hộ có cơ sở vật chất, sản phẩm đa dạng và chất lượng phục vụ du lịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngoài việc khắc phục những hạn chế, khó khăn, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân có kỹ năng giao tiếp với du khách, khuyến khích họ xây dựng cơ sở của mình, vừa là nơi đón tiếp du khách, vừa kinh doanh, từng bước tính toán về chia sẻ lợi ích. “Khi những mô hình điểm được triển khai thành công, là cơ sở để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, tạo sản phẩm đặc thù, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ.
Với tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp công nghệ cao, cùng thương hiệu thành phố du lịch, khi hai “mảnh ghép” này được kết nối, tin rằng, những nhà vườn đạt chuẩn tại phố núi Đà Lạt sẽ tấp nập du khách…
Theo Báo Lâm Đồng