Mới đây, trên nhiều diễn đàn du lịch, câu chuyện một du khách đăng tải bức ảnh sao biển chết khô tại Rạch Vẹm (Phú Quốc) do bị đưa lên bờ để chụp ảnh "sống ảo" nhận về nhiều bình luận tranh cãi trái chiều. Phần lớn bình luận thể hiện sự phẫn nộ và lên án hành vi thiếu hiểu biết này.

leftcenterrightdel
 Bức ảnh chụp sao biển chết khô trên bờ biển Phú Quốc được một du khách đăng tải thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo chia sẻ của chủ nhân bức ảnh, cảnh sao biển chết khô, nằm la liệt trên bãi cát được chụp vào buổi trưa ngày 2/4. Trước đó, nữ du khách này cùng gia đình được người tài xế taxi chở đi và giới thiệu đây là "bãi biển có nhiều sao và xếp được thành hình trái tim".  

Khi đến nơi, du khách này bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng sao biển chết khô phơi mình dưới nắng. Người này sau đó đã chụp bức ảnh và đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội. Ngay sau đó, chủ đề này nhanh chóng được đưa ra bình luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn du lịch.

leftcenterrightdel
 Nhiều du khách chụp ảnh "sống ảo" với sao biển. (Ảnh: Instagram).

Thực tế, việc chụp hình "sống ảo" với sao biển không phải là hiếm. Thậm chí không ít người nổi tiếng còn chia sẻ các bức ảnh dùng sao biển là công cụ để chụp ảnh.

Anh Tiến Hưng, hướng dẫn viên chuyên dẫn tour Phú Quốc cho hay, ở Phú Quốc Rạch Vẹm được biết đến là thiên đường của sao biển. Mùa sao biển ở đây đẹp nhất vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Tuy nhiên, theo anh Hưng việc bắt sao biển lên bờ chụp ảnh là việc làm "nguy hiểm và sẽ giết chết chúng".

"Sao biển cũng cần oxy để thở và chúng chỉ thở ở dưới nước, nếu chúng ta đưa lên mặt biển để chụp ảnh, chỉ cần vài chục giây cũng khiến chúng chết ngay", anh Hưng nói.

leftcenterrightdel
 Việc đưa sao biển lên bờ sau đó để kệ chúng chết đi để phục vụ việc chụp ảnh là hành động rất phản cảm. (Ảnh: Instagram).

Hướng dẫn viên du lịch này cũng cho hay, khi dẫn khách tới đây tham quan, anh thường nhắc nhở khách có thể chụp ảnh sao biển dưới nước nhưng tuyệt đối không được phép cầm chúng lên.

"Hãy thử tưởng tượng, nếu ai đến đây du lịch cũng cầm sao biển, xếp chữ chụp ảnh sống ảo thì sẽ có bao nhiêu sao biển phải chết? Việc làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển", anh Hưng nhấn mạnh.

Hướng dẫn viên du lịch này thừa nhận, ở khu vực Rạch Vẹm chưa có các biển cấm, cảnh báo du khách "Không được bắt sao biển chụp ảnh". Đây cũng có thể là lý do khiến nhiều người đến đây du lịch vẫn vô tư giết hại sao biển để phục vụ mục đích "sống ảo"

Trong khi đó, anh Lê Chiến, đại diện Trung Tâm Cứu Hộ Sinh Vật Biển cũng cho rằng, mỗi một loại sinh vật đều có vai trò nhất định trong hệ sinh thái. Khi chúng ta đưa một sinh vật ra khỏi môi trường sống, sau đó để kệ chúng chết đi là hành động rất phản cảm, cần phải lên án.

Theo anh Chiến, ngay cả việc "cầm, nắm, sờ" vào sao biển cũng gây ra những ảnh hưởng nguy hại. Trên tay con người luôn có một lớp vi khuẩn, đó là chưa kể những loại hóa chất chúng ta dùng như xà phòng, kem chống nắng, dưỡng da... Sinh vật chưa từng tiếp xúc và không có hệ thống miễn dịch với vi khuẩn từ con người, chúng có thể chưa chết ngay nhưng về lâu dài cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Ở Thái Lan, Philippines... du khách chỉ cần chạm tay vào san hô chụp một bức ảnh cũng có thể bị phạt từ 600 USD - 2000 USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất hiếm nơi áp dụng chế tài xử phạt như thế này tại các điểm du lịch.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen khi đi du lịch. Thay vì xâm phạm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, sự đa dạng của hệ sinh thái", anh Chiến nói.

Sao biển thuộc họ da gai, chúng có khoảng 2 nghìn loại, phân bố ở khắp các đại dương trên thế giới. Hầu hết chúng đều có hình dạng hình ngôi sao 5 cánh tay đối xứng với một điểm trung tâm nằm ở giữa. Tuy nhiên cá biệt sẽ có những loài sao biển có đến 10, 20 và thậm chí 40 cánh tay.

Mỗi một loại sinh vật đều có đóng góp cho hệ sinh thái chung, đặc biệt tạo nên tính liên tục trong chuỗi thức ăn mà một khi chuỗi thức ăn này bị phá hủy sẽ gây tác động không ít nhiều đến cả một hệ sinh thái. 

Sự khai thác, giết hại quá mức sẽ làm suy giảm số lượng quần thể trong hệ sinh thái, làm giảm đa dạng sinh học, mất cảnh quan. 

Theo Dân trí