Phát triển làng nghề nhằm bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc
Cập nhật lúc 08:00, Thứ tư, 31/01/2018 (GMT+7)
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề.
|
|
Làng lụa Hà Đông (Ảnh: TTXVN) |
Những làng nghề truyền thống như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Một cách giới thiệu sinh động về con người, giá trị lịch sử của mỗi vùng, miền, địa phương.
Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương liên quan lập danh mục làng nghề cần bảo tồn lâu dài, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2018.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; kết hợp giữa bảo tồn, tôn tạo và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; kết hợp giữa bảo tồn, tôn tạo và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề với phát triển du lịch bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh nghiên cứu, tích hợp quy hoạch bảo tồn và phát triển các làng nghề cần duy trì lâu dài vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và đảm bảo làng nghề phát triển bền vững.
Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một, ngày hai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định về phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và phát triển làng nghề.
Hương My