Bây giờ mỗi khi nhìn thấy cây đa cổ thụ ở đầu đường Nguyễn Công Trứ, Q. Sơn Trà, lòng tôi bỗng chốc dâng lên nỗi nhớ nhung về thời xưa cũ! Cũng chính bên gốc đa sần sùi già nua, lòa xòa bộ rễ dài thượt như tóc ngày đêm im lìm soi bóng xuống mặt nước Hàn giang này đã để lại trong ký ức tôi biết bao kỷ niệm khó phai nhòa, bởi đây chính là bến phà ngang Đà Nẵng, nhiều người còn gọi là phà An Hải. Hồi đó tôi thường xuyên qua lại bến phà này.
 
Có nhiều lúc dắt xe đạp đứng nép vào gốc đa, tránh cái nắng hè ràn rạt từ phía tây hắt lại  để đợi phà mới thấy cây đa "có tình có nghĩa"...
 
Chuyến phà ngang sang sông Hàn giờ chỉ còn trong tiềm thức người Đà Nẵng.
Chuyến phà ngang sang sông Hàn giờ chỉ còn trong tiềm thức người Đà Nẵng.
 
"Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang...". Câu hát này mãi cho tới bây giờ vẫn khuyết danh nhưng nó lại phản ánh một thực tế rằng: quận 3 ngày xưa rất hoang sơ, nhà cửa lè tè, rải rác, dân cư chủ yếu lao động phổ thông, sống thưa thớt còn phía bờ tây sông Hàn là quận Nhất, trung tâm thành phố, nhà cửa san sát, phố phường sầm uất, nhộn nhịp ngày đêm. Người từ quận 3 sang quận Nhất họ đều nói "qua Đà Nẵng". Từ ngày 29-3-2000 trở về trước, những chuyến phà vẫn oằn mình ngày đêm qua lại đôi bờ.
 
Hồi đó khách lên phà thường là những người đi bộ, hoặc đi các loại xe máy đời cũ, ô-tô bắt buộc phải chạy qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Cán bộ, công nhân viên Nhà nước thì thường được cơ quan mua vé đi phà theo tháng cho tiện. Không ít lần thấy phà đầy người, tháo dây neo, sợ bị trễ giờ làm việc, tôi phải vác chiếc xe đạp cọc cạch trên vai, bước qua được cổng soát vé nhưng đành phải... lỡ một chuyến đò ngang, vì phà đã  rời bến. Thế là tôi phải đợi chuyến sau. Nếu ai thường xuyên qua phà cũng nhiều lần đợi chuyến khác như tôi. Những người lái phà đều thực hiện nguyên tắc rất nghiêm ngặt là hễ thấy chuyến bên này vừa rời bến thì chuyến bên kia cũng phải nhổ neo, mặc dù phà rất ít khách để đảm bảo an toàn cho phà cập bến.
 
Những lúc thời tiết bình thường, các chuyến phà đêm hoạt động tới 22 giờ, khuấy động cả một vùng sông nước. Thỉnh thoảng, phà lại hụ những hồi còi quen tai ngay giữa dòng Hàn giang phẳng lặng để cảnh báo các tàu, thuyền xuôi ngược chú ý quan sát, đề phòng tai nạn trên sông. Đến khi tiếng chuông nhà thờ giục liên hồi, đằng đông ửng hồng thì tiếng động cơ phà lại bành bạch giòn giã. Vào giờ này, người đi phà chủ yếu là các mẹ, các chị từ phía quận 3 kĩu kịt những gánh hoa của làng nghề trồng trọt An Đồn, Phước Mỹ, Mân Thái, những mẹt cá còn tươi rói đánh bắt gần bờ trong đêm của bà con xóm biển nhà chồ, phường Nại Hiên Đông sang chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Tam Giác... cho kịp sáng. Tiếng động cơ xe lambro, tiếng cọt kẹt của xích lô, ba gác hòa cùng tiếng gọi nhau í ới càng làm cho hai đầu bến phà thêm náo nức. Những âm thanh ấy như réo gọi ánh bình minh thức giấc.
 
Ngay tại gốc đa này ngày trước là bến phà phía quận 3.
Ngay tại gốc đa này ngày trước là bến phà phía quận 3.
 
Cũng chính tại gốc đa này, vào tháng 5-1980, hai trinh sát chúng tôi bị dân "bắt" đưa về Đồn Công an An Hải Tây. Hồi đó chúng tôi đang điều tra nhóm đối tượng hình sự từ Hải Phòng vào Đà Nẵng lừa chiếm đoạt của một phụ nữ 4 cây vàng. Một buổi chiều, khi biết bọn chúng đang tụ tập ăn nhậu tại một quán gần bến phà, chúng tôi mặc thường phục, dẫn theo người bị hại để nhận dạng, phục vụ cho việc bắt đúng đối tượng. Khi trông thấy bọn chúng, người phụ nữ tỏ vẻ mừng quá, chúng phát hiện  ngay và dùng hung khí chống đối quyết liệt. Bọn tội phạm chộp bình, ly, chén đĩa... ném tới tấp về phía hai chúng tôi, gây thương tích nặng một cháu nhỏ đang đứng xem cảnh náo loạn.
 
Trước sự tấn công dữ dội của băng tội phạm, chúng tôi nổ súng, tên cầm đầu băng nhóm bị thương vùng đùi. Lúc đó, chuyến phà cập bến, người ùn ùn kéo lên, thấy cháu bé trai đầm đìa máu, họ cứ tưởng chúng tôi gây gổ, đánh nhau bắn cháu bị thương. Ngay lập tức chúng tôi bị họ bắt, tước vũ khí, giải thích thế nào họ cũng không chịu tha!? Thế là nhóm tội phạm nguy hiểm có cơ hội thoát lưới. Ngay trong đêm ấy, ông Lê Đình Mậu, Phó Giám đốc CA tỉnh QN-ĐN, kiêm trưởng CATP Đà Nẵng (cũ) ra lệnh cho toàn lực lượng cảnh sát kiểm tra tất cả các cơ sở y tế, các nơi lưu trú để phát hiện tên bị thương, bởi đây là đối tượng rất nguy hiểm và sau đó không lâu nhóm này bị CA tỉnh Phú Khánh bắt giữ...  
 
Những chuyến phà sông Hàn đã lùi vào dĩ vãng kể từ ngày cầu Sông Hàn sừng sững vắt ngang, một chiếc cầu quay duy nhất ở Việt Nam được hình thành từ sự đồng thuận của sức dân. 16 năm rồi, người Đà Nẵng cũng như du khách muôn phương không còn trông thấy các chuyến phà quá đỗi gần gũi, thân thương ấy nữa nhưng hình ảnh của nó và những hồi còi lanh lảnh trong đêm vẫn còn văng vẳng trong nỗi nhớ của bao người đã một thời gắn bó với phà, với đôi bờ đông-tây sớm tối!
 
Theo Công An Đà Nẵng
.