Phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái. Xây dựng đồng bộ các chức năng thương mại, du lịch; văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí tổng hợp; các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái... để thu hút và phát triển du lịch là việc rất cần được quan tâm. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.
Theo đó, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh và một phần của xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu. Quy mô lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen là 3.000 ha.
Yêu cầu nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, dân số, lao động, văn hóa, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, những yếu tố đặc thù khác.
Bên cạnh đó, đánh giá hiện trạng, các yêu cầu về điều kiện hạ tầng, dịch vụ, tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch; các tồn tại, bất cập trong quản lý và phát triển du lịch hiện nay; vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích...; tình hình triển khai thực hiện quy hoạch, các dự án đã, đang thực hiện; xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan.
Đồng thời, phân tích đánh giá hiện trạng phát triển dịch vụ du lịch, đánh giá tiềm năng và khả năng khai thác quỹ đất xây dựng du lịch đảm bảo hiệu quả. Đánh giá các yếu tố hạn chế, tác động, thách thức, động lực phát triển du lịch, nguyên nhân và các vấn đề tồn tại của Khu du lịch.
Phân tích đánh giá vị thế, mối quan hệ vùng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trong kết nối không gian với thành phố Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam Bộ. Xác định mục tiêu, động lực phát triển.
Về định hướng không gian, định hướng tổ chức các khu chức năng trên cơ sở lựa chọn đất xây dựng hợp lý; quản lý, khai thác rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng trong khu vực Núi Bà Đen phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu xem xét, rà soát, đánh giá để khai thác hợp lý các khu vực rừng đặc dụng kém hiệu quả vào mục đích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Định hướng tổ chức kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, hệ thống quảng trường, khu vực cửa ngõ, công trình điểm nhấn của khu vực; đề xuất ý tưởng quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu yếu tố văn hóa, lịch sử và tập quán địa phương.
Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Để lên đến đỉnh núi, du khách có thể đi bằng nhiều cách như: đi bộ, đi cáp treo (tuyến cáp dài 1.200m) hoặc sử dụng hệ thống máng trượt. Máng trượt ở núi Bà Đen là một hệ thống khép kín, gồm hai tuyến: Tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700m.
Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: Chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.
Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, nhất là ngày Rằm tháng Giêng, du khách lại tụ hội về khu vực núi Bà Đen để hành hương, lễ bái và tham quan du lịch. Hy vọng núi Bà Đen với nhiều huyền tích kỳ diệu sẽ trở thành trung tâm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích.
Đàm Phương