Đã hơn 300 năm kể từ khi người Việt đến sống trên miền đất nay là tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, trầm tích các nền văn hoá ở Tây Ninh lại có niên đại từ ba đến bốn ngàn năm trước. Những dấu tích và hiện vật khảo cổ vẫn còn trong Bảo tàng tỉnh và cả trong những nhà dân.


Đình làng ở Tây Ninh hầu như ở xã, huyện nào cũng có (trừ 2 huyện Tân Biên và Tân Châu- thành lập sau). Nổi bật nhất là các ngôi đã được công nhận di tích cấp quốc gia: đình Gia Lộc (Trảng Bàng), đình Hiệp Ninh và Thái Bình (Thị xã), đình Long Thành (Hoà Thành).

Ngẫm lại mà coi! Còn gì thú vị cho bằng việc tạm rời đường Xuyên Á để ghé thăm đình Gia Lộc chỉ cách đường có vài trăm mét, để được thả hồn vào cảnh cũ, đình xưa trong không gian xanh rợp bóng dầu, sao cổ thụ. Kiến trúc đình vẫn giữ được “hồn xưa bóng cũ” dù cũng đã nhiều lần tu sửa. Nghi thức cúng đình trong lễ Kỳ yên ở đây vẫn giữ được những lớp lang truyền thống đầy bản sắc (lễ cúng Kỳ yên đình Gia Lộc đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể trong năm 2013).

Trong khi đó, ở thị xã Tây Ninh, đình Thái Bình (phường 1) qua các lần tu sửa lớn vào năm 1930 và 1955 đã không còn giữ được bản gốc nguyên thuỷ của đình xưa, ngoại trừ lớp hậu đình. Kiến trúc còn lại đã bị ảnh hưởng ít nhiều của kiến trúc tôn giáo nên có cả các tháp mái vòm và các bao lam trước ban thờ chính ốp gốm sứ. Năm 2013, đình được đầu tư trùng tu tôn tạo lớn, được trả lại những nét đẹp xưa: các bao lam đã được cạo sạch sơn màu, để lộ ra những sắc độ lóng lánh hồn nhiên men sứ.

Còn ở đình Hiệp Ninh (phường 2), được xây dựng bề thế như ta thấy ngày nay, cam đoan rằng, khi bước vào gian tiền đình, ai cũng phải sững sờ trước một hệ thống hoành phi đại tự, liễn đối, bao lam, tủ thờ… rực rỡ những sắc độ đỏ, vàng, đen lấp lánh. Nhìn kỹ hơn, sẽ nhận ra những điêu khắc gỗ chạm lộng trên tất cả các bao lam, ngai thờ, tủ thờ. Thật là tinh xảo những rồng bay, phượng múa trong chủ đề tứ linh huyền thoại. Các cặp liễn đối có mặt cong như được đục ra từ thân gỗ quý. Không rõ lý do gì mà trong mục loại hình di tích lại ghi là “Lưu niệm sự kiện” trong khi ngôi đình này là một công trình kiến trúc, điêu khắc tuyệt vời.

Cũng trong thời phong kiến và cận đại nói trên đã xuất hiện nhiều ngôi chùa, miếu, đền thờ đặc sắc. Mà có lẽ chùa miếu còn xuất hiện sớm hơn cả đình làng. Vài ngôi chùa ở Trảng Bàng, như chùa đá Huỳnh Long (Gia Lộc), Long Tiên (Lộc Hưng) đã có từ nửa cuối thế kỷ 18. Cũng thời gian ấy, phía Bắc Tây Ninh mới chỉ có sư tổ Đạo Trung đến tu ở hang núi Điện Bà (núi Bà Đen). Còn lại đa số các chùa Tây Ninh được khai sơn tạo tự vào thế kỷ XIX, XX. Như Phước Lưu (Trảng Bàng), Phước Lâm (Thị xã), Thiền Lâm- Gò Kén (Hoà Thành) vv…vv… Điển hình về kiến trúc nghệ thuật chính là chùa Phước Lưu, bên trong vẻ ngoài bình dị, mộc mạc là một kho điêu khắc gỗ tuyệt vời.

Một mảng di tích quan trọng nữa là các di tích cách mạng thời kỳ dân ta có Đảng. Tây Ninh vốn được coi là vùng đất thánh của cách mạng, nên di tích loại hình này ở huyện nào cũng có. Sớm nhất thì có khu lưu niệm cơ sở Đảng đầu tiên ở Giồng Nần (Long Vĩnh, Châu Thành). Muộn hơn nhưng có tầm quan trọng chiến lược là các khu căn cứ của các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam ở huyện Tân Biên, trong đó di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được công nhận là “Di tích đặc biệt quan trọng”. Thật đúng như nhà thơ Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) đã viết trong tác phẩm “Về Tây Ninh”: Chỗ nào cũng viện bảo tàng/ Chỗ nào cũng là di tích…
 

Theo Báo Tây Ninh

.