BR-VT có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái từ rừng ngập mặn. Tuy nhiên, từ trước đến nay tiềm năng này chưa được khơi dậy.

 

 

BR-VT có những cánh rừng ngập mặn (RNM) nằm dọc các sông Cỏ May, sông Rạng, sông Dinh, sông Chà Và, sông Rạch Tranh, sông Mỏ Nhát...; các vịnh cửa biển như vịnh Ông Bền, vịnh Gành Rái; dọc Quốc lộ 51 (đoạn từ Bà Rịa đi Vũng Tàu), ở xã An Ngãi (huyện Long Điền). Các khu RNM này có nhiều loài cây đặc hữu như sú, đước, vẹt và nhiều nơi là bãi sinh sản của các loài thủy, hải sản. Vì vậy, việc phát triển nuôi trồng thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ RMN là rất tiềm năng.

 

Tuy nhiên, để giữ RNM và làm giàu từ RNM, thiết nghĩ, trước hết, cần rà soát, thống kê phân loại RNM làm căn cứ để có phương án phát triển phù hợp. Kêu gọi người dân chung tay bảo vệ RNM, giao quyền quản lý cho người dân để họ tập trung trồng mới RNM và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động phát triển du lịch từ RNM. UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân trong giai đoạn đầu khi RNM chưa sinh lợi như: vay vốn, cung cấp miễn phí giống cây RNM đặc trưng để trồng mới.

 

Về hạ tầng, có thể xã hội hóa việc đầu tư xây dựng bến đi, bến đến, đội du thuyền… liên kết tạo thành chuỗi dừng chân, nghỉ dưỡng, khám phá, giải trí và phục vụ ăn uống ngay tại nhà nổi trên sông, trên bè hay trong các khu RNM... Đồng thời, tỉnh có kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở quản lý bền vững RNM; cùng khai thác và cùng hưởng lợi giữa các nhóm; có cơ chế mở, thông thoáng cho việc phân công lao động, phân chia lợi nhuận và ràng buộc trách nhiệm xã hội cho các bên.

 

Mặt khác, để khai thác có hiệu quả RNM, cần kết nối giữa du lịch sinh thái RNM với các tour ngắn ngày tham quan làng nghề truyền thống lân cận như bánh tráng An Ngãi; làng bún Long Kiên; vườn cây ăn trái Hòa Long; các di tích, danh thắng… Tại mỗi điểm đến có thể bố trí khu đón khách, khu trưng bày các loại vật dụng truyền thống làng nghề, khu giới thiệu cách chế biến như bánh tráng, mắm bằm, mắm ruốc... và bố trí vật dụng, ngư cụ phù hợp để khuyến khích du khách trải nghiệm thực tế; được len lỏi trên các con sông, kênh rạch và lưu trú trên những ngôi nhà lá đặc trưng Nam bộ; thử nghiệm cách bắt cá, tôm trong ao, trên sông, khuyến khích du khách tự chế biến nấu ăn và thưởng thức tại chỗ chính các sản phẩm của họ, qua đó giúp cho người dân tiêu thụ sản phẩm của mình với giá tốt nhất.

 

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trước hết phải giữ được RNM, đặc biệt là trong bối cảnh RNM đang bị giảm sút về diện tích trong thời gian qua. Có chế tài thật nghiêm đối với các trường hợp xâm hại RNM, đồng thời có các cơ chế hỗ trợ người dân trồng mới, giao quyền quản lý và khai thác du lịch từ RNM với phương châm “tái tạo RNM để làm du lịch - khai thác du lịch nhằm bảo tồn, phát triển RNM”.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.