“Nóc nhà” của Lai Châu

Với độ cao trung bình khoảng 1500 mét so với mực nước biển, khí hậu của cao nguyên Sìn Hồ tương đối mát mẻ, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Nơi đây được ví như “nóc nhà” của Lai Châu và được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc.

leftcenterrightdel
 Một góc thị trấn Sìn Hồ.

Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi… Trong con mắt du khách, Sìn Hồ hiện lên với khung cảnh thiên nhiên rừng núi hùng vĩ, thơ mộng và dạt dào cảm xúc.

Tuy địa hình đồi núi quanh co, hiểm trở nhưng tại bất cứ vị trí nào và mùa nào, du khách không chỉ được tận hưởng và bị thuyết phục bởi vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, mà còn được chiêm ngưỡng bức tranh đầy màu sắc đến từ những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ngoài ra, du khách còn được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …

Được thiên thiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ, cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển, như: tam thất, táo mèo, astiso, cây tắm lá thuốc… cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê…

Khí hậu mát mẻ cũng là điều kiện thuận lợi để du khách có thể đến thăm cao nguyên Sìn Hồ vào bất kỳ mùa nào trong năm, đặc biệt trong những ngày hè oi bức. Khí hậu ở Sìn Hồ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc và ít chịu ảnh hưởng của bão.

leftcenterrightdel
 Ở Sìn Hồ quanh năm mây phủ, nhưng mùa hè là thời điểm săn mây lý tưởng nhất năm.

Đến Sìn Hồ vào mùa xuân, đây là thời điểm tuyệt vời để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên trong lành với những cánh rừng hoa đào, hoa mận nở rộ; vào mùa hè, du khách có thể khám phá vẻ đẹp của mùa lúa chín vàng và tham quan những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp;

Vào mùa thu, đây là thời điểm mát mẻ, rất thích hợp để du khách chinh phục những ngọn núi kỳ vĩ, cùng ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên đất trời bao la, núi non hùng vĩ; và vào mùa đông, du khách có thể trải nghiệm hoạt động tắm lá thuốc của người Dao và có cơ hội ngắm tuyết rơi trên cao nguyên này.

Đường lên Sìn Hồ

Từ Hà Nội đi lên Sìn Hồ, du khách có thể lựa chọn cung đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đi qua Sa Pa, qua đèo Ô Quy Hồ để đến Lai Châu, thời gian di chuyển mất khoảng 7 - 8 tiếng. Đây là cung đường rất thuận tiện do phần nhiều là đường cao tốc; hoặc du khách có thể lựa chọn cung đường Quốc lộ 32 để đi lên TP Yên Bái. Từ đây, du khách tiếp tục đi xuyên qua cánh đồng Mường Lò như một lòng chảo khổng lồ, với vẻ đẹp quá đỗi thanh bình và êm ả của thị xã Nghĩa Lộ, đi tiếp qua Mù Căng Chải để đến Lai Châu. Từ TP Lai Châu, du khách di chuyển thêm quãng đường khoảng 60km nữa để đến với thị trấn Sìn Hồ.

leftcenterrightdel
 Ngày nay, việc khám phá cao nguyên Sìn Hồ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều nhờ hệ thống đường giao thông được nâng cấp.

Hiện, lên Lai Châu đi bằng phương tiện công cộng cũng rất thuận tiện, du khách có thể bắt các chuyến xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình đi lên Lai Châu. Hàng ngày, từ bến xe trung TP Lai Châu có nhiều chuyến xe khách đi huyện Sìn Hồ và các huyện vùng cao khác.

Ngày nay, việc khám phá cao nguyên Sìn Hồ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều nhờ hệ thống đường giao thông được nâng cấp, sạch, đẹp. Tại Sìn Hồ, du khách có thể chọn lựa nhiều loại phương tiện cá nhân như: xe máy, xe đạp hoặc ôtô tới trung tâm các xã, bản... để trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ nơi núi rừng Tây Bắc.

Một số điểm đến không thể bỏ qua khi đến Sìn Hồ

Núi Đá Ô và Động Ông Tiên

Nằm trên địa bàn xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ, Núi Đá Ô là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Khu chính danh thắng là một khối đá lớn có hình dáng như một chiếc ô, đây là loại đá phong hoá từ đá bazan, phần phía bắc khối đá dựa vào 2 cây chò cổ thụ. Khối đá màu đen, hình chiếc ô có chiều cao 3,7m được chia là ba phần.

leftcenterrightdel
 Di tích danh lam thắng cảnh Núi Đá Ô.

Phần chóp ô (phần trên cùng) có chiều cao từ 70-80cm, đường kính 5,2m có thể che mưa, che nắng cho nhiều người. Tảng đá có màu xanh rêu với vô số đường nét và hoa văn rất độc đáo; Phần thân (phần ở giữa) có đường kính 2,5m gồm những phiến đá màu nâu đen xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù kỳ lạ; Phần chân (phần dưới đất) có chiều cao khoảng 55cm, đường kính 5,4m và được bao bọc bởi rễ của hai cây chò cổ thụ; Phần phía nam có một phiến đá bằng phẳng hình chữ nhật có kích thước 40-55 cm2. Phiến đá này là nơi phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của bà con dân bản, nơi mà người dân thường thắp hương cầu nguyện đặt các lễ vật dân cúng.

Núi Đá Ô được gắn với sự tích của người Dao Khâu, kể về ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn, vì quá say mê cảnh đẹp vùng đất nơi đây mà để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá…

Từ đó, người dân Tả Phìn coi ô đá là nơi linh thiêng và trở thành nơi thờ cúng. Người Dao Khâu và người Mông đen ở xã Tả Phìn và các xã lân cận hàng năm có tục lệ đến Núi Đá Ô thắp hương và cầu mong cho gia đình, con cái được mạnh khoẻ, người ốm sớm bình phục. Theo các vị cao niên trong bản tục lệ này đã có từ rất lâu, lưu truyền từ đời này qua đời khác.

leftcenterrightdel
 Động Ông Tiên - điểm du lịch tâm linh khó có thể bỏ qua khi đến Sìn Hồ.

Nằm gần khu vực Núi Đá Ô là Động Ông Tiên là một địa điểm du lịch tâm linh khó có thể bỏ qua khi đến với Sìn Hồ. Động Ông Tiên có nhiều thạch nhũ với hình dáng kỳ lạ, độc đáo được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.

Bản Sà Dề Phìn

Thời tiết ở cao nguyên Sìn Hồ mang đặc điểm của 4 mùa trong năm với nhiệt độ trung bình khoảng 18 độ. Cao nguyên nằm giữa núi non bạt ngàn, chìm đắm trong biển mây mù lãng mạn. Nơi đây, gây ấn tượng với cảnh thửa ruộng bậc thang trập trùng và những con suối dày đặc và chen nhau len lỏi từ dãy núi xuống.

Đến cao nguyên Sìn Hồ, du khách không nên bỏ qua bản Sà Dề Phìn nằm ở độ cao trên 1.700m so với mực nước biển, quanh năm mây mù, sương phủ, khí hậu trong lành, mát mẻ. Nơi đây, được biết đến có những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hồ nước Hoàng Hồ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Ngoài ra, vực thác Sà Dề Phìn cũng là một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi khám phá vùng đất nơi đây.

leftcenterrightdel
 Vực thác Sà Dề Phìn - điểm đến hấp dẫn khó có thể bỏ qua khi khám phá Sìn Hồ.

Vực thác Sà Dề Phìn là một vực sâu thẳng đứng hàng trăm mét. Từ trên đỉnh vực, một dòng thác nước đổ xuống tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và đẹp mê hồn. Tiếng nước rì rào như một điệu nhạc thiên nhiên, tạo nên một không gian thanh bình và thư thái.

Xung quanh vực thác là một khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Quanh thác nước là những bức tường đá dốc đứng cheo leo, tạo nên một không gian kỳ vĩ và đầy bí ẩn. Chính bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà nơi đây đã hút nhiều bạn trẻ đến khám phá, trải nghiệm.

Bản du lịch cộng đồng Tả Phìn

Bản Tả Phìn nằm cách thị trấn Sìn Hồ 5km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, trên tuyến du lịch “Lai Châu - Sìn Hồ - Phong Thổ - Lai Châu”.

leftcenterrightdel
 Du khách check-in tại điểm du lịch vườn đá Tả Phìn.

Đến với bản Tả Phìn, du khách sẽ có dịp được khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ với những mái nhà đá đen cổ trên 200 năm tuổi, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những vườn hoa lê, hoa mận, hoa đào dịp đầu xuân hay thưởng thức những trái mắc cọt, lê, mận, đào ngay dưới những gốc cây.

Bên cạnh đó du khách còn được tìm hiểu những phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống trong đời sống của bà con dân bản.

Ẩm thực Sìn Hồ.

Ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình tại những địa điểm hấp dẫn nêu trên, đến Sìn Hồ, du khách còn được khám phá, trải nghiệm những phong tục tập quán thú vị của dân bản địa và đặc biệt là thưởng thức được những món ăn đặc sản, hấp dẫn mà thực khách không thể bỏ qua, như: gà đen, cá suối, thắng cố, bánh chưng đen, xôi tím, rượu ngô...

leftcenterrightdel
 Bánh trưng đen - một loại bánh đặc biệt của người Dao.

Bánh chưng đen hay còn gọi là bánh Rùa Chía, là một loại bánh đặc biệt của người Dao, dài khoảng 30cm, được làm từ nguyên liệu gạo nếp trắng hoặc nếp cẩm. Tuy nhiên để làm loại bánh chưng này người ta thường trộn than cây màng tang giã nhỏ để gạo nếp được nhuộm đen và có vị thơm ngon đặc sắc. Tương tự như bánh chưng truyền thống, nhân bánh cũng là thịt mỡ nhưng được thái dài hơn, dính với bột thảo quả, để khi luộc bánh, mỡ ngấm đều và khi ăn có vị béo ngậy rất ngon miệng.

Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là “khẩu cắm”.

leftcenterrightdel
 Màu tím của xôi được nhuộm từ cây “khẩu cắm”.

Đồ xôi tím được đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.

Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây “khẩu cắm” dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

N.Minh