|
|
Năm 2024, tỉnh Yên Bái có 16 sản phẩm du lịch mới được công nhận và đưa vào khai thác. |
Năm 2024, Yên Bái trở thành điểm đến hấp dẫn bởi sự phát triển đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch, cùng nhiều chính sách kích cầu thị trường hiệu quả; vận dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề, từ đó thu hút lượng du khách cao nhất từ trước đến nay, tạo mức tăng trưởng ấn tượng. Để biến "di sản" thành "tài sản", năm 2025, Yên Bái tiếp tục thực hiện toàn diện 11 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đầu tư hơn nữa cho việc hình thành các loại hình du lịch mới.
Văn hóa đặc sắc nâng tầm du lịch
Nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, cùng văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số đã hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có. Với chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa", Yên Bái đã và đang chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh cho rằng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, Yên Bái đang sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ của các dân tộc trên địa bàn, mỗi di sản văn hóa truyền thống không chỉ là niềm tự hào của người dân Yên Bái mà còn là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, định vị hình ảnh, thương hiệu và nâng tầm du lịch Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Tỉnh Yên Bái hiện có 574 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do vậy, khi trải nghiệm du lịch tại Yên Bái, du khách được đắm mình trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các lễ hội như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội khèn Mông, Lễ mừng cơm mới, Lễ hội Tằng Cẩu, Lễ hội Cấp Sắc, Lễ hội ruộng bậc thang, Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”...
Đặc biệt, du khách được thưởng thức các món ăn dân dã là những sản vật của người vùng cao như: xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, rau dớn, rêu suối, măng ớt, vịt suối, trứng kiến, chè Shan tuyết...
|
|
Khu vực đèo Khau Phạ là nơi tổ chức trải nghiệm dù lượn cho du khách. |
Thực tế cho thấy, những sản phẩm du lịch đặc trưng của Yên Bái ngày càng được mở rộng, hoàn thiện, tạo ấn tượng với du khách. Năm qua, nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo được đưa vào khai thác chuyên sâu, như du lịch leo núi, điểm cảnh check in, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng... hình thành chuỗi sản phẩm du lịch quanh năm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Chỉ tính riêng huyện vùng cao Mù Cang Chải, trong 2 năm trở lại đây, toàn huyện đưa vào khai thác trên 20 sản phẩm du lịch mới, tiêu biểu như: du lịch sinh thái ngắm ruộng bậc thang đã được công nhận là Danh thắng quốc gia đặc biệt. Cùng đó, Giải leo núi bước chân trên mây, chinh phục đỉnh Tà Xùa tại huyện Trạm Tấu được tổ chức từ 2 năm nay đã thu hút hàng vạn du khách tham gia. Đây là sản phẩm du lịch mạo hiểm mới, hấp dẫn, du khách tham gia sẽ được trải nghiệm cung đường núi cheo leo dài 12 km, tận hưởng cảm giác thăng hoa khi chinh phục đỉnh Tà Xùa cao 2.865m, băng qua rừng nguyên sinh đỗ quyên cổ thụ phủ đầy rong rêu...
Để biến "di sản" thành "tài sản", Yên Bái tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho việc hình thành các loại hình du lịch mới, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm du lịch. Riêng năm 2024 trên toàn tỉnh Yên Bái có 16 sản phẩm du lịch mới được công nhận, nhờ vậy lượng khách du lịch trong năm 2024 tăng cao kỷ lục, toàn tỉnh đón hơn 2,1 triệu lượt khách, cho doanh thu gần 1.800 tỷ đồng, gần bằng 120% kế hoạch.
Giải pháp kích cầu thị trường hiệu quả
Năm 2024, tỉnh Yên Bái tập trung mạnh mẽ cho chuyển đổi số về du lịch, tích hợp thông tin du lịch của tỉnh với các ứng dụng, nền tảng khác như: Fanpage du lịch tỉnh Yên Bái, ứng dụng Công dân số YenBai-S, website điện tử tỉnh và trên các nền tảng mạng xã hội khác; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu các điểm đến, sản phẩm du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin Du lịch tỉnh. Yên Bái cũng đã thực hiện tốt các giải pháp kích cầu thị trường, trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Yên Bái đối với du khách thông qua các sự kiện lễ hội, hội chợ trong nước và quốc tế, mạng internet, các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm lan tỏa các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, theo hướng du lịch xanh, bản sắc, khám phá đến du khách toàn cầu.
Đặc biệt, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trọng tâm là hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng về du lịch; hỗ trợ thành lập mới và duy trì hoạt động 231 đội văn nghệ của các dân tộc Mông, Thái, Mường, Tày, Cao Lan; hỗ trợ thu gom rác thải tại thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể tại một số địa phương.
|
|
Du khách thưởng thức và giao lưu nghệ thuật xòe Thái Mường Lò tại bản Sà Rèn, thị xã Nghĩa Lộ. |
Bước sang năm 2025, Yên Bái tiếp tục thực hiện toàn diện 11 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trọng tâm là hỗ trợ xây dựng hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến đầu tư, quảng bá điểm đến du lịch tại tỉnh. Bên cạnh đó, Yên Bái hỗ trợ các địa phương duy trì tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống; duy trì, phát triển 26 làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch nhằm tiếp tục hình thành những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo.
Định hướng phát triển du lịch Yên Bái năm 2025 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Nông Việt Yên cho biết, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, theo hướng du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn; tiếp tục hình thành những sản phẩm du lịch mới, có chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc; phấn đấu mỗi sản phẩm du lịch sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khác biệt. Yên Bái sẽ luôn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.