Với chủ trương dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách và khuyến khích xã hội hóa, trong thời gian qua, công tác đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng ngày càng được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên để có một hạ tầng du lịch đồng bộ còn nhiều việc phải làm.

 

Tuyến đường ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: Đ.Hòa
Tuyến đường ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: Đ.Hòa



Nhiều công trình hạ tầng “quy mô” đã và đang được đầu tư

Đối với hạ tầng giao thông, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, du lịch nói riêng. Chính vì thế, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian đi lại của du khách khi đến với Bình Thuận. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trong đó, phải kể đến một số dự án trọng điểm như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ1A, quốc lộ 55, quốc lộ 28 đi qua địa bàn tỉnh; hoàn thành xây dựng cầu Hùng Vương; thi công hoàn thiện trục đường ven biển đoạn Hòa Thắng-Hòa Phú, đường Lê Duẩn… Dự án sân bay Phan Thiết được khởi công và việc triển khai công tác đển bù giải tỏa dự án đường cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết để chuẩn bị thi công sẽ góp phần cải thiện hạ tầng giao thông tạo đà cho du lịch tỉnh nhà phát triển.

Về vận tải, duy trì và phát triển mạng lưới xe buýt, phát triển dịch vụ xe taxi trên địa bàn toàn tỉnh; duy trì tuyến đường sắt Phan Thiết - Sài Gòn mỗi ngày 2 đôi tàu; đưa thêm tàu trung tốc Hưng Phát vào hoạt động tuyến biển Phan Thiết - Phú Quý, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Về hạ tầng kỹ thuật điện cũng được đẩy nhanh đầu tư xây dựng, kịp thời sửa chữa và cải tạo lưới điện nhằm giảm sự cố, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện. Cung ứng điện cho thành phần thương nghiệp, khách sạn năm 2015 là 129.338.000 kWh, tăng 11,4% so với năm 2014.

Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, với những cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng, tỉnh đã thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào phát triển du lịch. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 393 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất được cấp là 7.357 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư trên 55 ngàn tỷ đồng (trong đó có 32 dự án đầu tư nước ngoài) đầu tư kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như lưu trú du lịch, sân golf, huấn luyện và cung cấp dịch vụ thể thao biển, kinh doanh nhà hàng, lữ hành…Trong đó có một số dự án có quy mô lớn, diện tích đến 500 ha. Hiện toàn tỉnh có 290 cơ sở lưu trú du lịch với gần 11 ngàn phòng, trong đó có 3 cơ sở xếp hạng 5 sao, 25 cơ sở 4 sao, 11 cơ sở 3 sao…

 Nhờ có sự phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng và đầu tư đúng trọng điểm đã đem “trái ngọt” cho du lịch Bình Thuận. Bình quân hàng năm lượng khách đến tăng từ 12-20%, doanh thu tăng khoảng 30%, trong đó năm 2015 đạt 4,25 triệu lượt du khách đến, doanh thu đạt 7.640 tỷ đồng. GRDP du lịch chiếm tỷ trọng từ 7,5-8% GRDP của tỉnh.

Để bứt phá cần đồng bộ hơn trong đầu tư

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng qua thực tế triển khai cho thấy việc thu hút đầu tư vào du lịch vẫn còn nhiều bất cập, đó là hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, thiếu một số cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, bến cảng, đường cao tốc. Nguồn vốn của các dự án đầu tư du lịch bị ảnh hưởng do thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ cùng với việc quy hoạch một số dự án lớn thiếu nhất quán đã tác động không nhỏ đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Trong khi đó nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn tới nhiều dự án du lịch bị chậm tiến độ hoặc không triển khai. Sức hấp dẫn của du lịch Bình Thuận chủ yếu vẫn dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch vẫn còn đơn điệu; chất lượng dịch vụ còn thấp; các khu du lịch thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm... Đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ và giao thông chưa đồng bộ, phương tiện đi đến các vùng xa vẫn còn khó khăn nên hiện tại khách du lịch tập trung chính ở các điểm du lịch dọc ven biển; ở vùng miền núi, trung du và hải đảo các tour du lịch rời rạc, ít khách. Việc khai thác nhìn chung còn manh mún, thiếu sự liên kết tổ chức hoàn thiện các tour, thiếu sự quy hoạch khai thác các điểm du lịch một cách bài bản, đồng bộ, điều đó làm giảm sức hút đối với du khách, lượng khách lưu trú, nhất là khách quốc tế tăng trưởng chậm...

Để có sự bứt phá về du lịch, Bình Thuận cần tiếp tục có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các khu du lịch phục vụ nghỉ ngơi, chữa bệnh, tổ chức hội nghị, sự kiện; các khu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao biển với quy mô lớn và các sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu giải trí cho du khách như sân golf, rạp chiếu phim, nhà hát, vũ trường, casino... Các chính sách bao gồm: Quỹ đất phục vụ phát triển dự án du lịch phải đáp ứng yêu cầu về quy mô, vị trí, chi phí và thời gian hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông; sự thuận lợi, nhanh gọn về các thủ tục hành chính, giúp chủ đầu tư tiết kiệm thời gian, từ đó tiết kiệm chi phí triển khai; chính sách thuế ưu đãi với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này… Về giao thông cần có sự chủ động phối hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng như Sân bay Phan Thiết, Đường cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết và Cảng vận tải Phan Thiết và tiếp theo là cao tốc Phan Thiết - Nha Trang. Đây là những dự án cực kỳ quan trọng có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là du lịch.

Để Bình Thuận trở thành trọng điểm du lịch quốc gia trong thời gian tới, việc đầu tư cải thiện hạ tầng du lịch là một trong những điều kiện tiên quyết. Theo đó, quá trình đầu tư hạ tầng du lịch phải theo quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cụ thể; đầu tư có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác cao nhất mọi nguồn lực trong xã hội, tạo đà cho du lịch Bình Thuận cất cánh, vươn tới trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực.
 

Theo Báo Bình Thuận

.