Sôi động, khẩn trương và hứng khởi là diện mạo chung đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố là “điểm nóng” du lịch cả nước. Không chỉ lên kế hoạch, các địa phương đã bắt đầu “xắn tay” vào hành động, xác định rõ “đường đi” và triển khai mạnh mẽ các chương trình phát triển kinh tế xanh.

Không khí này có được kể từ khi Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ban hành cùng chính sách visa thông thoáng chính thức được Quốc hội thông qua.

Đà thành: Điểm đến của du lịch ẩm thực

Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho biết Nghị quyết số 82 của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp địa phương đón nhận rất phấn khởi.

“Chúng tôi đã tuyên truyền Nghị quyết này đến cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai hàng loạt kế hoạch hành động bằng việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch địa phương; thiết kế, định hướng, hình thành hệ sinh thái sản phẩm mới phù hợp với cấu trúc ngành đã thay đổi cơ bản sau đại dịch, qua đó chuẩn bị dòng sản phẩm hướng đến các nhóm nhu cầu chuyên sâu, nhỏ lẻ, tăng trải nghiệm, tăng giá trị cho du khách,” ông Cao Trí Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, thời điểm này địa phương xác định ẩm thực đa dạng và phong phú là một trong những lợi thế của điểm đến. Do đó, ngành du lịch thành phố đã và đang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn để nâng tầm ẩm thực Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Lễ hội Ẩm thực quốc tế Đà Nẵng 2019 (DaNang international food festival 2019) với sự tham gia của các đầu bếp danh tiếng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cùng các sự kiện lớn giới thiệu ẩm thực được tổ chức thường niên tại công viên biển Đông, công viên châu Á… là những điểm sáng của du lịch ẩm thực Đà thành.

leftcenterrightdel
 Mỳ Quảng là một trong những món ăn nhất định phải thử khi đến Đà Nẵng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhằm đa dạng hóa, hình thành hệ thống sản phảm du lịch ẩm thực, đồng thời khai thác, phát triển sản phẩm ẩm thực như là sản phẩm mới, đặc sắc để thu hút khách trong nước và quốc tế, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Huỳnh Thị Hương Lan cho hay Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch về phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn giai đoạn từ năm 2023-2030.

Mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ là trung tâm du lịch ẩm thực quốc tế đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam và khu vực, nơi hội tụ ẩm thực truyền thống địa phương, các vùng miền và quốc tế.

Đáng nói, trước việc “nút thắt” visa sẽ chính thức được gỡ bỏ từ ngày 15/8, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố biển đã ngay lập tức thông báo với đối tác nước ngoài, thị trường lớn, thị trường chính, các thị trường sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.

Ông Cao Trí Dũng cho biết một số thị trường đã có phản ứng nhanh với chính sách mới, đã có khách ngay như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Một số thị trường xa đã được chuẩn bị cho mùa khách cuối năm và năm sau.

Hà Nội: Thành phố của sự kiện

Hà Nội chọn con đường phát triển du lịch bằng mục tiêu trở thành “Thành phố sự kiện.” Cách làm này giúp cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đều được hưởng lợi. Với doanh nghiệp quy mô lớn và năng lực cao có thể “bao sân” cho toàn bộ sự kiện, còn các doanh nghiệp nhỏ, lẻ có thể cung cấp dịch vụ từng phần như vận chuyển, khách sạn, ăn uống, hội họp, tham quan...

Năm 2022, việc Thủ đô được World Travel Awards (WTA) bình chọn là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 (World's Leading City Break Destination 2022) đã giúp trái tim của cả nước dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
 Hà Nội là điểm tổ chức thường niên sự kiện Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến “An toàn-Thân thiện-Chất lượng-Hấp dẫn” tới khách du lịch, từ tháng 3/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023” với chủ đề “Hà Nội-Đến để yêu” khởi động chuỗi 50 sự kiện sẽ kéo dài suốt năm.

Song, làm thế nào để “Thành phố sự kiện” Hà Nội thực sự chất lượng, trở thành điểm đến của thế giới lại cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Với một không gian lớn, không ngừng được mở rộng như thời gian qua, Hà Nội cần phải được quy hoạch không gian-thời gian, cách vận hành, quản lý các lễ hội, sự kiện hợp lý.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc cùng lúc tổ chức nhiều lễ hội cũng là bất lợi. Theo ông, Hà Nội hiện có không gian lớn, có cả văn hóa xứ Đoài sáp nhập thì khối lượng công việc rất lớn. Do đó cần người có chuyên môn tham gia vào quy hoạch và vận hành, quản lý hợp lý.

Muốn trở thành điểm dừng chân của các sự kiện quy mô lớn trong nước và quốc tế, du lịch Thủ đô cũng cần sẵn sàng một hệ sinh thái các sản phẩm đồng hành cho du khách trải nghiệm.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết Du lịch Thủ đô xác định tập trung cho một số nhóm sản phẩm tạo điểm nhấn riêng biệt, trong đó tiếp tục ưu tiên phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, ưu tiên phát triển các dịch vụ gia tăng trải nghiệm như tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến làng nghề, di tích văn hóa; mở rộng tuyến xe buýt 2 tầng kết nối khu vực nội thành với các điểm đến khu vực ngoại thành.

leftcenterrightdel
 Nét cổ kính của làng nghề Bát Tràng hấp dẫn bước chân du khách khi đến Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo kế hoạch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển du lịch golf kết hợp du lịch MICE, bằng cách phối hợp với Hiệp hội Du lịch golf, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng và phát triển 1-2 sản phẩm tour, tuyến du lịch golf hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao gắn với các giá trị tài nguyên tự nhiên như: du lịch leo núi, đạp xe đạp tại khu vực Sóc Sơn, Ba Vì; sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm đu dây (Zipline), bay khinh khí cầu hay bắn cung tại Long Biên, Ba Vì, Sóc Sơn…

Trải nghiệm du lịch thông minh ở Ninh Bình

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh cho biết: “Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng và phát triển các trang tin điện tử tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch; khai thác khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, Zalo, Google map với tên gọi chung ‘Ấn tượng Ninh Bình’ để du khách dễ dàng định vị được thương hiệu du lịch Ninh Bình.”

Nhờ tập trung phát triển công nghệ trong du lịch, Ninh Bình đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2023 với lượng khách ước đạt 4,5 triệu lượt, gần bằng 85% kế hoạch cả năm nay. Lãnh đạo ngành du lịch địa phương cho hay kết quả này là nhờ vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Đặc biệt, Ninh Bình cũng tận dụng công nghệ trong xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch thông minh “Ninhbinhtourisminfo,” nhằm tăng khả năng tương tác trên không gian số, giúp du khách cập nhật nhanh chóng, tiện lợi thông tin về các điểm đến của địa phương để có lựa chọn tối ưu.

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Ninhbinhtourisminfo là ứng dụng di động phát triển dành riêng cho du khách muốn tìm hiểu những nét độc đáo, khác biệt của Ninh Bình, đồng thời kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp; cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp du lịch tăng cường kết nối, xây dựng các tour tuyến mới…

leftcenterrightdel
 Du khách quốc tế thích thú khám phá vẻ đẹp Ninh Bình trừ trên đỉnh Hang Múa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chọn tăng tốc, bứt phá bằng công nghệ, ngành du lịch Ninh Bình còn triển khai xây dựng, phát triển nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, trong đó có trạm thông tin du lịch thông minh, bản đồ số hóa các điểm tham quan, dịch vụ du lịch, xây dựng cổng thông tin du lịch Ninh Bình; triển khai các trạm phát wifi miễn phí tại các điểm tham quan lớn như Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc, Cúc Phương…

Không có con đường nào dẫn đến thành công chỉ trải hoa hồng, việc mỗi “điểm nóng” du lịch chọn cho mình một lối đi riêng trên chặng đường phục hồi và phát triển kinh tế xanh giai đoạn mới, dựa vào lợi thế cạnh tranh của từng địa phương là một khởi đầu tích cực. Với những hỗ trợ từ Chính phủ bằng các Nghị quyết và chính sách ngày càng cởi mở hơn, hy vọng du lịch nước nhà sẽ sớm đạt và vượt mức tăng trưởng trước đại dịch./.

Theo TTXVN/Vietnam+