Dù là những vận động viên (VĐV) mang về biết bao chiến công cho thể thao Việt Nam, nhưng họ không được nhận một khoản thưởng Tết tương xứng so với mặt bằng chung của xã hội. Tuy nhiên có thưởng Tết dù ít đã may, hầu hết các VĐV đều không được đồng nào nhiều năm qua.

 


Hỏi ra mới biết, Hà Thanh chẳng nhận được đồng thưởng Tết nào ở trên tuyển. Bao năm qua, cô cũng chưa một lần được nhận niềm vui nho nhỏ ấy mỗi dịp Tết đến xuân về. Không có thưởng Tết ở trên tuyển như là một “truyền thống”, nhưng ngay cả ở đơn vị chủ quản ở Hải Phòng cũng hiếm khi thưởng Tết cho các VĐV, ngay cả người đó đã có nhiều cống hiến, mang vinh quang về cho địa phương mình như Hà Thanh.

Đồng đội của Hà Thanh ở đội tuyển TDDC là Phạm Phước Hưng cũng cho biết kể từ khi anh theo nghiệp VĐV chưa biết thưởng Tết là gì. Năm này qua năm khác và có lẽ là nhiều năm tới các VĐV cũng không được thưởng Tết.

Có mức thưởng khá nhất trong làng thể thao Việt Nam có lẽ là kình ngư Ánh Viên. Năm ngoái, được biết VĐV này được đơn vị Quân đội thưởng Tết 2 triệu đồng. Hiện Ánh Viên đang đeo hàm thiếu tá – trở thành nữ thiếu tá trẻ tuổi nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm nay, kình ngư số 1 Việt Nam sẽ mất Tết, bởi cô cùng HLV Đặng Anh Tuấn tập huấn dài ngày tại Mỹ. Về chuyện thưởng Tết, nhiều khả năng Ánh Viên sẽ được nhận như năm trước và toàn bộ tiền sẽ gửi qua tài khoản cho bố mẹ cô ở quê.

Do mức thưởng theo quy định của ngành nên Ánh Viên cũng chẳng quan tâm lắm. Hơn nữa, trong năm qua, tính cả tiền thưởng theo quy định của Nhà nước và tiền thưởng bằng hiện vật , Ánh Viên luôn là một trong những VĐV được thưởng nhiều tiền nhất.

Cũng trong Quân đội, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ được thưởng Tết theo quy định, còn trên tuyển thì gần như không có. Dù vậy, năm 2016 là một năm “no ấm” với Xuân Vinh khi riêng tiền thưởng HCV, HCB Olympic từ nhiều nguồn khác nhau đã lên tới gần 6 tỷ đồng.

Với nhiều VĐV khác có khả năng “săn tiền thưởng”, sẽ cảm thấy xót xa cho các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là những ai Tết này không có một đồng thưởng Tết.

“Đi đâu mọi người cũng bàn chuyện thưởng Tết, họ kể về khoản thưởng của mình. Còn tôi thì chẳng có gì để kể, vì năm nào chẳng như thế, không có đồng thưởngTết nào”, một VĐV chia sẻ.

Một VĐV ở đội tuyển karate than thở: “Năm nào có SEA Games còn trông chờ vào tiền thưởng thành tích, còn các năm khác coi như chỉ tập chay. Hầu hết các VĐV về quê mà không có tiền biếu gia đình”.

Năm nào cũng vậy, chuyện thưởng tết với các VĐV vẫn là những câu chuyện buồn. Với các VĐV trẻ thậm chí còn “thảm” hơn, khi không được bất cứ khoản nào.

Thường các đội tuyển được nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Với những VĐV nhà gần thì về ăn Tết cùng gia đình, chứ những VĐV ở xa, có năm phải ở lại trung tâm vì đi lại tốn kém. Cũng có năm các trung tâm đã hỗ trợ tiền tàu xe và mua quà cho các VĐV, nhưng không phải VĐV nào cũng được ưu ái như vậy.
 

Theo Thùy Anh/Dân trí

.