Đúng như giới chuyên môn nhận định trước khi VCK U19 châu Á diễn ra, trận đấu với U19 Trung Quốc sẽ là trận đấu mà chúng ta dễ đá nhất. Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng nhờ tâm lý thoải mái mà đôi chân của các cầu thủ cũng được thoải mái...

 


Chúng ta chỉ chơi hay khi… chẳng còn gì để mà mất. Đá những trận đấu trong tư thế chẳng còn gì để mất có lẽ tâm lý cũng không khác những trận giao hữu, nên không thể xem trận đấu hay trước U19 Trung Quốc là thước đo bản lĩnh của các cầu thủ U19 Việt Nam. Mà một đội bóng được gọi là giỏi phải là một đội bóng không chỉ có kỹ thuật, mà dứt khoát phải có thêm bản lĩnh.

Cũng đừng nhìn trận đấu thắng trong thế trên chân trước U19 Trung Quốc, rồi nhìn vào trận đấu mà U19 Trung Quốc thắng U19 Nhật Bản để nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể vươn đến đẳng cấp của người Nhật (tức đẳng cấp châu Á) trong một sớm một chiều.

Nếu nói Nhật Bản là nền bóng đá số 1 châu Á, nếu lấy thang điểm giỏi dành cho U19 Nhật Bản, thì U19 Trung Quốc sẽ nằm ở thang điểm khá, trong khi U19 Việt Nam nằm ở nhóm điểm trung bình.

Trong đối kháng, người trung bình có thể hạ người khá, vì khoảng cách từ trung bình đến khá dù sao cũng chưa lớn lắm. Người khá có thể hạ người giỏi, vì khoảng cách giữa khá và giỏi cũng chưa phải là diệu vợi, nhưng nếu so khoảng cách giữa người giỏi và người trung bình thì khoảng cách sẽ xa hơn nhiều. Đấy cũng là khoảng cách về trình độ giữa chúng ta và bóng đá Nhật Bản hiện nay.

Cũng đừng quên rằng chúng ta vẫn thua bàn ở những phút cuối trận, chứng tỏ điểm yếu về thể lực và sự tập trung của U19 Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chúng ta còn mắc sai lầm khi có cơ hội nới rộng khoảng cách nhưng không tận dụng được. Có nhiều cơ hội nhưng nhiều lần bỏ lỡ cũng là thể hiện bản lĩnh ở mức nào đấy!

 

Theo Dân trí

 

.