U19 Việt Nam chắc chắn là có tiến bộ sau VCK U19 châu Á 2014. Nhưng ta tiến ở điểm nào và chưa tiến ở điểm nào là điều cần phải bàn kỹ. Vả lại, ta có tiến nhanh bằng các đối thủ hay không lại càng cần bàn kỹ hơn!
Rồi còn kinh nghiệm nữa. Cầu thủ U19 Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa phân biệt thế nào là phạm lỗi chiến thuật với bạo lực, chưa phân biệt nỗi thế nào là đá rát và thế nào là đá xấu, đá theo kiểu triệt hạ đối phương.
Bóng đá là môn đối kháng, đòi hỏi phải va chạm, kiểu gì thì kiểu, cầu thủ phải va chạm với nhau, mình không quyết liệt thì đâm ra nhát chân, mà đá bóng không va chạm thì khác nào cho đối thủ có thêm không gian và thời gian để hoạt động.
Về mặt này thì có thể nói thẳng chính sự phi thực tế của người lớn đã vô tình làm hại tư tưởng của cầu thủ. Đúng là chẳng có cầu thủ nào dám chủ động trong va chạm một khi ông chủ của họ cảnh cáo về chuyện sẽ đuổi cầu thủ chơi xấu, trong khi từ va chạm mạnh đến bạo lực, từ phạm lỗi chiến thuật đến chơi xấu luôn có ranh giới khá mong manh.
Đi chậm thì về sau
Quay trở lại với chuyện U19 Việt Nam đang phát triển không đúng với thực tế của bóng đá chuyên nghiệp xung quanh chuyện thế nào là đá xấu và thế nào là phạm lỗi chiến thuật, nhìn sang những nền bóng đá ngay trong khu vực, họ thực dụng hơn nhiều.
Cái này chủ yếu xuất phát từ lộ trình và góc nhìn của những người trực tiếp vạch lộ trình. U19 Thái Lan sẵn sàng đá rát với Yemen trong trận cuối cùng tại vòng bảng để đạt đến mục đích cuối cùng là chiến thắng.
Đá rát, nếu không phi thể thao thì luật cũng không cấm. Chưa kể người Thái còn 2 lần lội ngược dòng trước các đội bóng Tây Á vốn nổi tiếng khỏe là Iran và Yemen, rõ ràng không phải ăn may.
Cùng độ tuổi, nhưng U19 Thái Lan có vẻ đang già dặn hơn U19 Việt Nam. Trong khi U19 Việt Nam mới bắt đầu quá trình học hỏi kinh nghiệm thì cầu thủ cùng lứa tuổi của Thái Lan đã chững chạc lắm rồi.
Lẽ ra khi gỡ hòa với U19 Nhật Bản trong những phút cuối, đội bóng của HLV Graechen Guillaume cần đá chậm lại để có điểm, khi đang dẫn trước U19 Trung Quốc cũng vậy, nhưng bản lĩnh lại là điều mà U19 Việt Nam đang thiếu, khiến cho những tình huống như thế họ không biết xử trí như thế nào?
Như đã từng nhận định, U19 Việt Nam có tiến bộ sau VCK U19 châu Á, nhất là thông qua 2 trận đấu với Nhật Bản và Trung Quốc, bằng lối chơi biết mình biết người hơn. Nhưng đấy là tiến bộ so với chúng ta, rồi tiến ở mức độ nào thì cũng chỉ có chúng ta biết với nhau.
Tuy nhiên, cần phải rạch ròi ở điểm nếu tiến bộ mà vẫn đi sau đối thủ thì sự tiến bộ ấy phỏng có ích gì? Sao không nhìn thẳng vào thực tế rằng họ đã trưởng thành còn chúng ta mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm?
Nhìn thẳng vào thực tế rồi quyết thay đổi những mặt chưa được để làm sao tiến nhanh hơn họ mới là quan trọng!
Theo Dân trí