Dù dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, tuy nhiên thể thao Việt Nam vẫn đang có sự chuẩn bị tích cực cho các giải đấu trong năm 2021, đặc biệt là Olympic và SEA Games.

leftcenterrightdel
 "Kình ngư" Huy Hoàng là một trong những vận động viên đã giành vé dự Olympic.

Với Olympic, hiện tại Việt Nam đã có 5 vé chính thức vượt qua vòng loại, gồm: Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt 2 chuẩn Olympic cự ly 400m và 1.500m tự do); VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng và hai VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ; võ sĩ Nguyễn Văn Đương (boxing).

Mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành ít nhất 20 vé tới Thế vận hội Tokyo 2021. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh các VĐV không được cọ xát ở các giải quốc tế, đó là chưa kể nhiều giải đấu có tính chất vòng loại vẫn chưa có lịch cụ thể vì dịch COVID-19.

Dù vậy, với truyền thống vượt khó, thể thao Việt Nam đang cho thấy sự chuẩn bị rất tích cực. Tại các giải VĐQG năm 2020, môn bắn súng xác lập 8 kỷ lục quốc gia, trong khi điền kinh có 3 kỷ lục mới. Đây chính là cú hích để các VĐV tiếp tục nỗ lực tập luyện, sẵn sàng cho các nhiệm vụ trong năm 2021, đặc biệt là lấy vé dự Olympic 2021.

Trước mắt, ngành thể thao đang lên kế hoạch để đầu tư cho các VĐV Trọng điểm. Trong trường hợp dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, các đội tuyển tiếp tục tập luyện trong nước. Một tin vui với các VĐV khi nhiều chuyên gia đã sang Việt Nam (sau khi thực hiện quy định cách ly) để lên các giáo án tập luyện.

Theo dự kiến ban đầu, Thế vận hội mùa Hè - Olympic 2020 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) từ 24/7 đến 9/8/2020 với sự tham dự của khoảng 11.000 VĐV đến từ 206 quốc gia. Đây là lần thứ 32 Olympic mùa Hè được tổ chức và là lần thứ 2 Tokyo đăng cai sự kiện này.

leftcenterrightdel
 Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu kép Olympic và SEA Games trong năm 2021.

Ban tổ chức cũng đã công bố lịch trình mới cho Thế vận hội Olympic Tokyo sau khi bị dời sang năm 2021, theo đó sự kiện này sẽ diễn ra trong 17 ngày (từ 23/7 đến 8/8/2021) và Paralympics sẽ diễn ra trong 13 ngày từ 24/8 đến 5/9/2021.

Như vậy, từ nay tới Olympic, thể thao Việt Nam có khoảng 7 tháng để chuẩn bị, và bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành 20 vé vượt qua vòng loại cũng phấn đấu có huy chương, ở các nội dung thế mạnh như cử tạ, bắn súng…

Sau Olympic hơn 3 tháng, thể thao Việt Nam tiếp tục bước vào chiến dịch quan trọng là SEA Games. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai đại hội thể thao Đông Nam Á.

SEA Games lần thứ 31 sẽ diễn ra trong khoảng 17 ngày, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021; thời gian tổ chức ASEAN Para Games 11 khoảng 11 ngày.

SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.

leftcenterrightdel
 SEA Games 31 là sự kiện để Việt Nam khẳng định vị thế với bạn bè trong khu vực.

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, cho hay: "Chúng ta mạnh dạn tổ chức SEA Games 31 với đầy đủ các bộ huy chương của tất cả nội dung, không thiếu bất kỳ một nội dung nào. Sự đột phá này sẽ mang đến cho SEA Games 31 một cú hích mang tính lịch sử, nhằm tiệm cận được phong cách tổ chức của hai đại hội thể thao tầm cỡ thế giới và châu lục".

Ngoài 4 môn đang được Việt Nam cân nhắc bổ sung, 36 môn thể thao tại SEA Games 31 đã được chốt lại gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kick-boxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao.

Ngoài mục tiêu đứng trong Top đầu, thì SEA Games 31 còn là sự kiện để Việt Nam khẳng định vị thế với bạn bè trong khu vực, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19 được đặt lên hàng đầu.

Theo Dân trí