Sau những chương trình truyền hình “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Ca sĩ giấu mặt”, một chương trình có hình thức tương tự chuẩn bị ra mắt khán giả truyền hình: “Biến hóa hoàn hảo - My name is…”.

Đây là những chương trình đòi hỏi người tham gia trình diễn bắt chước giọng ca, phong cách của nghệ sĩ nổi tiếng. Tất nhiên, người chiến thắng của các chương trình này là người bắt chước giống với bản gốc nhất. Với tiêu chí phục vụ nhu cầu giải trí, việc bắt chước của người chơi đối với nghệ sĩ nổi tiếng từ vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ đến giọng hát chỉ để mang lại sự thích thú và tạo tiếng cười cho khán giả.

 

 Giám khảo Trấn Thành hướng dẫn cho thí sinh “Biến hóa hoàn hảo” bắt chước giọng hát của ca sĩ Phương Thanh (Ảnh cắt từ video của chương trình)
Giám khảo Trấn Thành hướng dẫn cho thí sinh “Biến hóa hoàn hảo” bắt chước giọng hát của ca sĩ Phương Thanh (Ảnh cắt từ video của chương trình)


Dù vậy, việc nở rộ của những chương trình này gây ra sự lo lắng của giới chuyên môn về nguy cơ tạo nên tư duy nghệ thuật lệch lạc ở một bộ phận khán giả: Xem sản phẩm bắt chước như một sáng tạo của nghệ thuật.

Đại diện Công ty Đông Tây Promotion, đơn vị sản xuất chương trình “Biến hóa hoàn hảo”, nói rằng: “Chúng tôi chỉ đang phục vụ cho nhu cầu của khán giả dựa vào xu hướng thực tế”. Điều này hoàn toàn chính xác khi mục tiêu duy nhất của các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình là lợi nhuận. Vì vậy, họ cũng chẳng cần có trách nhiệm định hướng thẩm mỹ cho khán giả. Nhưng với các đài truyền hình, trách nhiệm định hướng không thể không đặt ra, nhất là khi truyền hình đang là phương tiện thông tin giải trí thu hút lượng người xem lớn nhất và được công chúng coi là chuẩn mực nhất.

Hát, diễn giống hệt người khác chỉ là giỏi bắt chước, chỉ có giá trị giải trí nhất định chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. “Nếu tổ chức một cuộc thi gọi là tìm kiếm những giọng ca giỏi bắt chước người khác để tôn vinh thì điều đó lại trở nên đáng ngại. Bởi lẽ, sự tôn vinh này dễ gây hiểu lầm rằng nhái giỏi giọng người khác cũng sẽ trở thành ngôi sao nghệ thuật!” - một nhạc sĩ cảnh báo.

Sự cổ xúy của đám đông thông qua những chương trình này cũng khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ cần hát cho thật giống một ca sĩ nổi tiếng nào đó là có thể trở thành ngôi sao. Thực tế có những người nổi tiếng trở thành “sao” và đang đi theo con đường này sau khi tham gia chương trình.

Điều đáng nói là những người tổ chức chương trình không xác định rõ với công chúng đây chỉ là các sân chơi thuần giải trí, mua vui và nó không có giá trị đóng góp vào việc tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Hầu hết bạn trẻ tham gia đều không nghĩ đúng để có định hướng đúng trong nghề nghiệp. Nhiều người bước vào showbiz không thành công vì ở đó không có đất cho những giọng ca bắt chước ca sĩ nổi tiếng, như họ từng được tung hô trong những chương trình kể trên.

 

Theo Người lao động

.