“Có bột mới gột nên hồ”. Kịch bản quyết định 50% thành công của phim nên một kịch bản tồi thì không thể có một phim hay
Không ít phim Việt cả trên truyền hình và chiếu rạp xuất hiện gần đây có ý tưởng hay, nội dung phong phú nhưng vẫn bị chê câu chuyện “đầu voi đuôi chuột”, tình tiết gượng ép, vô lý. Ngay những phim có tên tuổi đạo diễn sáng ngời cũng rơi vào tình trạng đầy đặn ở phần đầu, hụt hơi ở phần cuối, hoàn toàn đuối ở cái kết. Người trong giới khẳng định nhiều phim “hỏng” ngay từ khâu kịch bản. Đó là lý do phim Việt đang thiếu vắng phim hay.
“Đầu voi đuôi chuột”
Phim điện ảnh “Nắng”, “Mặt nạ máu”, “Ma nữ báo thù”, “Phim trường ma”, “Găng tay đỏ”, “Truy sát”... ra mắt gần đây là những phim có ý tưởng kịch bản tốt nhưng đều bị lỗi. Mở đầu, các phim này tạo sự thích thú cho người xem nhưng càng về sau lại không được như mong đợi. Những kịch tính lồng ghép trong phim đuối dần, nhiều lỗ hổng, sạn dẫn đến cảm giác nhàm chán cho người xem. Như với phim “Nắng”, câu chuyện người mẹ thiểu năng tảo tần nuôi con bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai khiến người xem xúc động. Kịch tính phim được đẩy lên cao khi một gã giang hồ bỏ ma túy vào xe lượm ve chai khiến người mẹ bị phạm tội. Nhưng cũng từ đoạn này, những cảm xúc bộ phim mang đến cho người xem bị phá hỏng vì tình tiết đậm chất kịch, sai lệch so với thủ tục pháp lý thông thường. Một đoạn kết không tương xứng với ý nghĩa nhân văn cả bộ phim và mạch cảm xúc được nuôi dưỡng từ lúc đầu. Phim “Mặt nạ máu” cũng gặp vấn đề về kịch bản khi xây dựng nhân vật phản diện thiếu điểm nhấn, phần đầu xen lẫn tình tiết gây cười và sợ hãi nhưng từ giữa đến cuối phim có nhiều sạn. Ngay cả phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng có kịch bản thiếu mạch lạc, lủng củng. Những tình tiết thiếu thuyết phục, sạn nhỏ trong phim nhiều nhưng chi tiết bị chê nhất là đoạn kết khi thái tử và tể tướng đều hóa thành quái vật, đánh nhau. Không chỉ điện ảnh, nhiều phim truyền hình Việt cũng thường rơi vào tình trạng loanh quanh, mở đầu hấp dẫn nhưng đến đoạn giữa bắt đầu đuối. Các mối quan hệ dàn trải, không dứt khoát. Ngay cả phim truyền hình Việt kiểu Hàn của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) được xem là ăn khách, như “Tuổi thanh xuân”, “Zippo, mù tạt và em” cũng không tránh được thực trạng này. Mối quan hệ tam giác tình yêu Huy - Lam - Sơn trong “Zippo, mù tạt và em” kéo dài từ phần 1 qua gần hết phần 2 khiến không ít khán giả ngán ngẩm.
|
“Mặt nạ máu” - một trong những phim thất bại từ khâu kịch bản. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp) |
Thiếu chuyên nghiệp
Phân tích nguyên nhân về thực trạng phim Việt hiện nay, nhiều người trong giới cho rằng bắt đầu từ khâu kịch bản, việc viết kịch bản theo nhóm dễ khiến sản phẩm thiếu đồng bộ từ thoại đến tâm lý nhân vật. Giới biên kịch hiện cũng có một số người ngồi xem phim các nước rồi sao chép, nhào nặn thành kịch bản. Để tránh thưa kiện, họ nghĩ một vài phân đoạn kết nhanh - gọn - lẹ gây hụt hẫng cho người xem. Một số biên kịch khác chạy theo số lượng, mãi lo “đầu ra”, không chăm sóc kỹ kịch bản của mình. “Ở mảng điện ảnh, tôi cho rằng gần như chưa có biên kịch nào tạo dấu ấn. Đa số phim đều do đạo diễn tự viết kịch bản, một số người làm tốt nhưng cũng có người đặt cái tôi của mình quá lớn hoặc chạy theo thị hiếu, gây cười trôi tuột” - biên kịch Uyên Dung cho hay.
Theo biên kịch Mộng Thu: “Một bộ phim nội dung không tốt là lỗi của biên kịch nhưng nếu phim có nội dung tốt mà không hút khán giả, lỗi đó của đạo diễn”. Biên kịch Uyên Dung cũng cho biết nhiều kịch bản tốt nhưng gặp phải nhà sản xuất, đạo diễn không có tâm thường bị cắt xén vô tội vạ, biến cảnh hành động thành thoại để giảm chi phí nên chất lượng kịch bản yếu đi khiến phim rời rạc, thiếu mạch lạc, khán giả không hiểu mà biên kịch chẳng thể biện minh. Biên kịch Vũ Thị Thanh Hương cũng cho rằng một phim hay hoặc dở là do biên kịch và đạo diễn, họ phải chịu trách nhiệm chính và chung, chứ không thể đổ lỗi cho phía nào được.
“Nếu là đạo diễn có chuyên môn giỏi, ngay từ khi cầm kịch bản, họ phải biết kịch bản này tốt hay quá tệ. Nếu họ có thể xử lý, chỉnh sửa kịch bản khá hơn thì hãy quyết định bấm máy. Còn không, họ cần dũng cảm bỏ qua, chẳng nên tốn tiền của nhà đầu tư, để rồi cho ra một bộ phim dở tệ lại quay sang đổ lỗi kịch bản không hay” - biên kịch Uyên Dung phân tích.
Tiền nào của đấy
“Tiền nào của đấy” là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng kịch bản phim Việt không cao. Nhà sản xuất chưa nhiều tiền để làm khác đi. Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương (từng viết kịch bản phim: “Trúng số”, “Con dâu”, “Pha lê không dễ vỡ”, “Ngọc bích tình yêu”...) nói rằng biên kịch Việt không thể viết bay bổng, sáng tạo ngoài khả năng dàn dựng cho phép vì các hãng không có tiền đầu tư, buộc phải bỏ qua. Đồng quan điểm, biên kịch Uyên Dung nói Việt Nam là một trong những nước có kinh phí làm phim thấp nhất thế giới. Với phim truyền hình, kinh phí phụ thuộc vào nhà đài và bao năm nay, không thay đổi về giá. Còn phim điện ảnh, đại đa số những nhà sản xuất chọn thể loại hài hay hài hành động là chủ yếu, kinh phí thấp, thu hồi vốn dễ. |
Theo Minh Khuê/Người Lao Động