Để trở thành diễn viên chuyên nghiệp đòi hỏi phải học tập và rèn luyện nghề một cách nghiêm túc, không ngừng nghỉ chứ không phải làm “sao” một đêm

“Đoạt quán quân game show hài, được khán giả yêu thích, diễn viên đó chưa thể là danh hài” - đây là khẳng định của nhiều người trong giới. Giải thưởng chỉ là bước đệm để họ nhận ra mình có năng khiếu tự tin theo đuổi nghề. Còn để trở thành diễn viên hài chuyên nghiệp đòi hỏi người làm nghề phải nỗ lực học tập và rèn luyện một cách nghiêm túc, liên tục.

Nhiều cơ hội

Nói về việc các diễn viên trẻ có nên tìm kiếm vận may ở những game show hài hay không, nghệ sĩ Gia Bảo nhận định thời nay diễn viên trẻ may mắn hơn thời trước. Bản thân anh học sân khấu năm 2002, tốt nghiệp năm 2006 và thời điểm đó chỉ biết sân khấu, không có nhiều game show. Ban đầu, anh đóng vai quần chúng, cố diễn tốt để lên được vai nhỏ có thoại, hành trình này kéo dài 8 năm. Đến khi Sân khấu Thế Giới Trẻ thành lập năm 2010, anh được mời đóng những vai lớn, xây dựng dần tên tuổi. “Diễn viên trẻ hiện có nhiều game show hài để giới thiệu bản thân, game show cũng nuôi sống họ. Họ tham gia hết chương trình này đến chương trình khác, cái này chưa xong đã có người mời tham gia cái khác. Nếu có dừng bước sớm, họ cũng được thù lao vài triệu đồng, vô sâu hơn được vài chục triệu đồng, nếu có giải cao thì kiếm được vài trăm triệu đồng. Nhờ cơ hội này, ước mơ và đam mê của họ dễ đạt được hơn. Ngày trước, mỗi lần chúng tôi được mời đóng kịch trên truyền hình là vui lắm rồi vì có cơ hội xuất hiện trước khán giả” - Gia Bảo tâm sự.

 

 Một tiết mục dự thi của thí sinh trong “Đấu trường tiếu lâm” (Ảnh do BTC cung cấp)
Một tiết mục dự thi của thí sinh trong “Đấu trường tiếu lâm” (Ảnh do BTC cung cấp)


Nghệ sĩ Thanh Thủy cũng cho rằng diễn viên trẻ ngày nay có điều kiện rút ngắn thời gian giới thiệu mình đến khán giả hơn thế hệ trước. Đó là cơ hội mà đôi khi diễn viên miệt mài trên sân khấu chuyên nghiệp 5 năm, 10 năm chưa có được.

Tuy nhiên, nghệ sĩ Gia Bảo cảnh báo rằng không phải game show nào cũng nên tham gia, nhất là thời điểm có nhiều chương trình giải trí như hiện nay. Các bạn trẻ nên tự cân nhắc, chọn lựa tùy theo khả năng của mình. Họ cũng nên xem đây chỉ là sân chơi, cơ hội giới thiệu mình với khán giả, với giới làm nghề và sau đó vẫn phải tập trung học tập, rèn giũa nghề nếu muốn đi đường dài.

Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết anh không cản cũng không khuyến khích diễn viên trẻ tham gia game show hài. Anh nói nếu học trò của anh xin phép tranh tài, anh vẫn đồng ý với điều kiện họ phải bảo đảm việc học ở sân khấu kịch, lên lớp đều đặn.

Hầu hết người trong giới đều nhận định game show hài chỉ là sân chơi hơn là cơ hội duy nhất phát triển nghề. Hữu Tín, trưởng nhóm X-Pro, cho biết nhóm hiểu rõ danh hiệu quán quân chỉ là mở đầu. Để duy trì “sức nóng”, nhóm phải cố gắng nhiều sau này. “Chúng tôi giữ độ nóng bằng sản phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu. Chúng tôi không chạy theo sự kiện bên ngoài nhiều mà sẽ đầu tư kịch bản, vở diễn, quay lại rồi đưa lên tài khoản YouTube của chúng tôi” - Hữu Tín cho hay.

Nghệ sĩ Gia Bảo nói không riêng gì game show hài mà cả ca nhạc, chương trình giải trí khác, ngôi vị quán quân đều là “sao” một đêm. So với các ngôi sao đương thời, họ vẫn cách rất xa. Các quán quân cần nỗ lực học hỏi, khiêm tốn, hợp tác nhiều hơn bởi năm nay mình quán quân nhưng năm sau có quán quân khác. Mỗi người chỉ được nổi bật trong 1 năm hoặc đôi khi vài tháng.

Tự mãn sẽ tự đào thải

Theo nghệ sĩ Minh Nhí, với diễn viên trẻ, game show hài chỉ là bước đệm chứ không phải cơ hội nổi tiếng lâu bền. Nếu muốn nghề nghiệp bền vững, diễn viên trẻ không có con đường nào khác là phải học tập, rèn luyện không ngừng qua các sân khấu kịch. Game show chỉ nhất thời còn kịch dài với diễn biến tâm lý, đầy đủ cung bậc cảm xúc mới là đường dài. Với những bạn có sẵn vài năm học tập, rèn luyện thì nên tiếp tục việc học còn những bạn chưa từng học mà muốn theo nghề lâu dài sau khi nổi bật qua game show nên tìm những trung tâm uy tín để học kiến thức nền. “Bạn nào sống ảo, nghĩ mình tài giỏi, sẽ tự đào thải. Tương tự như ca sĩ, có thể gây sốt nhờ một ca khúc, diễn viên cũng có thể gây sốt nhờ vai diễn trong một tiểu phẩm nhưng cả một hành trình làm nghề đâu thể chỉ dựa vào một vai diễn. Nghề này đòi hỏi sự sáng tạo, làm mới bản thân liên tục. Nếu cứ tưởng mình là “trung tâm” thì không bao giờ thành công” - nghệ sĩ Minh Nhí khẳng định.

Nghệ sĩ Thanh Thủy phân tích rằng sau đêm chung kết, thí sinh nổi bật trở thành quán quân, dễ mang cảm giác ngô nhận. Một số bạn trẻ chưa từng học qua trường lớp nhưng có được cái duyên trời cho, họ tỏa sáng qua vài tiểu phẩm mà đôi lúc có sự hỗ trợ nhiều từ những người với vai trò cố vấn ở hậu trường và được khán giả thương. Nhưng để trụ vững trên sân khấu, họ phải nỗ lực học từ trường lớp, nắm cơ bản rồi học từ bạn diễn, từ anh chị đi trước để làm hành trang cho mình. Một diễn viên học tập bài bản, đến nơi đến chốn sẽ có tư duy rất khác, cách nắm bắt vai diễn cũng có chất riêng thuyết phục khán giả lẫn người trong giới. Khi nổi tiếng, họ sẽ trụ bền hơn so với những cái lấp lánh kiểu như bong bóng xà phòng của game show hài.
 

Phấn đấu đi lên bằng thực lực

Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết bản thân anh dù đã nhiều năm trong nghề, giải thưởng cũng có, dạy nhiều học trò, làm giám khảo nhưng cũng không ngừng học tập. Anh học từ các thí sinh, từ học trò của mình chất thanh xuân, tươi trẻ, hòa nhập với giới trẻ hiện nay. Vì thế, điều quan trọng là sau chương trình, thí sinh sẽ trụ thế nào với nghề. Nghệ sĩ ai cũng cần tình cảm của khán giả, khi có được rồi, nếu một người biết trân trọng tình cảm đấy, họ phải rèn luyện, tư duy mang đến sản phẩm tốt hơn. Ngược lại, họ tự mãn, coi thường người giúp mình và những bậc cha, chú, anh, chị nhiều năm trong nghề thì quá sai. Anh luôn khuyên học trò cố gắng đi đường chính đạo, không theo tà đạo kiểu cố tình lân la ở khắp nơi có người nổi tiếng, tâng bốc, tung hê họ và tìm mọi cách xuất hiện trước khán giả.

 

Theo Người lao động

.