Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành vòng loại Asian Cup 2015 với chiến thắng danh dự 3-1 trước Hong Kong (Trung Quốc). Không có nhiều điều để nói về trận đấu này, duy chỉ có phát biểu của HLV Hoàng Văn Phúc sau trận đấu là đáng lưu tâm, “Đội U23 đã làm hại đội tuyển”…
 


Tại buổi họp báo sau trận đấu, nhiều phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi với HLV Hoàng Văn Phúc rằng vì sao đội chủ nhà lại có một trận đấu hay đến vậy trước đội bóng đã từng vượt qua đội tuyển Việt Nam với tỉ số 1-0 ở trận lượt đi. Ông Phúc trả lời ngay, đó là vì bóng đá Việt Nam ưu tiên cho mặt trận SEA Game 27, nên đội tuyển quốc gia buộc phải nhường quân cho đội U23 và phần nào giảm đi sức mạnh tại sân chơi châu lục.
 
Về vấn đề này, dư luận và người hâm mộ quá quen thuộc với mục tiêu “2 trong 1” mà bóng đá Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm qua. Kết quả là cả 2 mặt trận đều thất bại, cho thấy chúng ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển bóng đá. Chuyện đó ở tầm vĩ mô, điều chúng tôi muốn nói đến quyền mà đáng ra HLV Hoàng Văn Phúc phải thể hiện quan điểm từ lâu.
 
Không phải là nhà cầm quân nổi tiếng, nhưng với quãng thời gian làm bóng đá lâu năm như vậy, không thể nói ông Phúc không có dữ liệu về những thất bại kiểu “2 trong 1” của bóng đá Việt Nam. Đau đớn nhất trong những lần như vậy là thất bại ở SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan. Sở hữu một tập thể trẻ, khỏe và tài năng như Lê Tấn Tài, Công Vinh, Quang Thanh…, đội bóng của HLV Riedl đã lọt đến vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008. Những gương mặt ấy, khi thi đấu ở mặt trận SEA Games, bóng đá Việt Nam lại dừng bước ở bán kết (thua luân lưu 11m trước Myanmar) và chấp nhận ra về với trận thua 0-5 trước Singapore ở trận tranh HCĐ.
 
Sau này, HLV Mai Đức Chung, trợ lý của HLV Riedl và cũng là người “đóng thế” cho HLV người Áo (từ chức sau vòng bán kết) trong trận thua đậm trước Singapore đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính là bóng đá Việt Nam quá ôm đồm các mục tiêu. Những người như Công Vinh, Quang Thanh, Tấn Tài… đã liên tục ra sân cày ải trên khắp các mặt trận cùng U23 Việt Nam, đội tuyển quốc gia và cả các giải quốc nội cùng các CLB chủ quản. Và đúng vào thời điểm SEA Games 24, họ đã bị quá tải.
 
Trở lại với chuyện HLV Hoàng Văn Phúc, nếu HLV người Hà Nội có bản lĩnh trong việc thể hiện quan điểm, có lẽ ông không phải đối mặt với cái kết buồn như vậy. Trước lực lượng vừa mỏng, vừa yếu của bóng đá Việt Nam, nếu tách hẳn 2 đội tuyển cho 2 mục tiêu, có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ không thất bại như hiện nay. Đằng này, ông chỉ đóng vai như một người “làm công ăn lương”, VFF chỉ đạo sao ông nghe vậy. Để đến khi đội tuyển Việt Nam có chiến thắng ấn tượng đầu tiên và cũng là cuối cùng tại vòng loại Asian Cup 2015, ông mới chua xót nhận xét U23 đã làm hại đội tuyển Việt Nam.
 
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đã không có được một HLV bản lĩnh, đủ sức dùng sự am hiểu và khả năng phản biện của mình tranh luận với cấp trên để họ hiểu hơn về thực trạng của đội tuyển và đề ra phương hướng cho phù hợp và hiệu quả.
 
Đó là cái thiếu cơ bản của HLV Hoàng Văn Phúc và cũng là điều mà người hâm mộ mong muốn thấy được ở người sẽ kế vị HLV họ Hoàng trong thời gian tới.
 

Theo Báo Phú Yên