|
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện. |
Tham dự họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến có 70 đại biểu quốc tế đến từ 10 nước ASEAN, Timor Leste, Nhật Bản, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN cùng các đối tác.
Phía chủ nhà Việt Nam có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ủy ban Olympic Việt Nam, Ủy ban Paralympic Việt Nam, Trung tâm Doping và Y học thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Cục Thể dục thể thao.
Tại hội nghị, Ban Thư ký ASEAN cập nhật về những hành động tiếp theo đối với những quyết định của SOMS-14 (năm 2023 tại Thái Lan). Hội nghị cùng rà soát và triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021- 2025, kèm theo đó là một số dự án, sự kiện quan trọng khác. Cũng tại hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN báo cáo về những hoạt động trong năm 2024 hưởng ứng ngày Thể thao ASEAN; đại diện đoàn Thái Lan báo cáo về công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 33 và ASEAN Para Games 13 năm 2025.
Tại phiên họp mở ASEAN + FIFA, các quốc gia thành viên ASEAN và FIFA trao đổi quan điểm về những hành động cần thiết để đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch hợp tác ASEAN-FIFA, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện Biên bản ghi nhớ ASEAN-FIFA. Trong phiên họp mở ASEAN + WADA + SEAPRADO, Tổ chức Phòng chống Doping thế giới (WADA) và Tổ chức Phòng chống Doping khu vực Đông Nam Á (SEARADO) báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Biên bản ghi nhớ ASEAN-WADA phù hợp với các ưu tiên của Kế hoạch công tác ASEAN về thể thao giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, các tổ chức liên kết và đối tác của ASEAN cập nhật về các sáng kiến đang diễn ra và sắp tới có liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021-2025. Các tổ chức và các đối tác khác của ASEAN cũng đề xuất các cách thức tăng cường hợp tác với SOMS… Đại diện Việt Nam với vai trò chủ trì sẽ thông báo chính thức về thời gian và địa điểm của các hội nghị trong năm 2025, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS) lần thứ 8.
Theo chương trình làm việc, ngày 15/10 sẽ diễn ra Hội nghị SOMS + Nhật Bản lần thứ 7. Tại Hội nghị này, Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tổng hợp về những chương trình được triển khai tiếp theo sau Hội nghị SOMS + Nhật Bản lần thứ 6 được tổ chức vào ngày 30/8/2023 và Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN - Nhật Bản tổ chức ngày 1/9/2023. Nhật Bản sẽ cập nhật tại Hội nghị về hiện trạng và định hướng tương lai trong khuôn khổ cơ chế Hợp tác ASEAN - Nhật Bản về Thể thao.
Hội nghị sẽ ghi nhận thông tin và trao đổi quan điểm về những vấn đề cần sự quan tâm của các quốc gia thành viên ASEAN như phụ nữ và thể thao, giáo dục thể chất và thể thao cho người khuyết tật, thể thao vì sự phát triển bền vững. Các đại biểu nghe báo cáo Kế hoạch hành động ASEAN - Nhật Bản về thể thao: Chính sách phát triển và xây dựng năng lực trong thể thao chuyên nghiệp tại các quốc gia thành viên ASEAN…
Ngày 16/10 sẽ diễn ra Hội nghị SOMS + Trung Quốc lần thứ 3. Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tóm tắt về các lĩnh vực hợp tác theo Điều khoản tham chiếu của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Trung Quốc và Hội nghị SOMS + Trung Quốc.
Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tóm tắt tại Hội nghị về việc triển khai thực hiện đề xuất trao đổi và phục hồi các môn thể thao và trò chơi truyền thống ASEAN - Trung Quốc như di sản văn hóa phi vật thể. Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ trao đổi quan điểm về dự án đồng thời thống nhất các cách thức tiến hành tiếp theo.
|
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện. |
Việt Nam tham gia SOMS kể từ năm 2012 và đã trở thành điểm đến của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao vào các năm 2014 và 2024. SOMS lần thứ 4 năm 2014, tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 9 nước ASEAN, góp phần tích cực quảng bá, tăng cường sự hiểu biết của nhân dân các nước ASEAN về quan hệ đối ngoại trong khối; thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa các nước ASEAN; quảng bá nền văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam tới bạn bè trong khu vực; định hướng các hoạt động về thể thao và liên quan đến thể thao trong khu vực ASEAN.
Với quy mô, tầm cỡ và sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị được kỳ vọng sẽ quyết đáp được nhiều vấn đề quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới để thể thao khu vực phát triển, hòa nhập cùng thể thao thế giới.