'Gangnam Style' lập kỷ lục 2 tỷ lượt xem: Bi kịch của Psy?
Cập nhật lúc 23:10, Thứ ba, 03/06/2014 (GMT+7)
Thành công của Gangnam Style đã đẩy Psy vào thế khó. Anh nổi tiếng, nhưng có vẻ không theo cách thức tích cực. Người ta không coi anh là nhà sáng tạo, nghệ sĩ tài năng, chỉ như một gã ngốc pha trò.
Hôm 29/3 vừa qua, Gangnam Style vừa lập kỷ lục là MV (video nhạc) đầu tiên và duy nhất cho đến nay đạt hơn 2 tỷ lượt xem trên YouTube. Đứng thứ hai là MV Baby của nam ca sĩ Justin Bieber chỉ đạt trên 1 tỷ lượt xem, còn lâu mới chạm đến gần Gangnam Style.
Nói ngắn gọn, Gangnam Style là video được xem trên mạng nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Càng đặc biệt hơn khi đó không phải là một video sử dụng tiếng Anh mà là tiếng Hàn Quốc, không quá thông dụng.
|
Psy trong một màn trình diễn Gangnam Style |
Gangnam Style và 16.000 năm
2 tỷ lượt xem không có nghĩa là 2 tỷ người xem (có nhiều người đã xem hàng chục lần, cũng có những người chưa hề biết đến), nhưng vẫn có nghĩa rất nhiều thời gian trong vòng 2 năm qua đã được thế giới tiêu tốn để xem Gangnam Style. Theo trang MTV, MV này kéo dài 4 phút 13 giây và 2 tỷ lượt xem đồng nghĩa với 506 tỷ giây, hơn 140 triệu giờ, hơn 5,8 triệu ngày hay hơn… 16.000 năm.
Điều này có nghĩa là nếu một người duy nhất ngồi xem liền tù tì 2 tỷ lần MV Gangnam Style thì người đó sẽ mất hơn 16.000 năm mới xong. Và để làm được như vậy, người này phải tồn tại trước cả khi lịch sử nhân loại bắt đầu, và dĩ nhiên, trước cả khi có máy tính, mạng Internet hay YouTube.
Còn nếu 2 tỷ lượt xem kia thuộc về 2 tỷ người riêng biệt, 28% dân số thế giới đã biết đến Psy và điệu nhảy ngựa của dân Hàn. Một mức độ nổi tiếng khó ai có được.
|
|
Mắc kẹt trong danh tiếng
Đã 2 năm kể từ khi MV gây sốt này ra đời, nhưng hầu như người ta không thể kể tên bất cứ thành tựu gì đáng chú ý sau đó của Psy, khi anh đã được coi là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất thế giới. Cuối năm 2012, số lượt xem của Gangnam Style đạt 1 tỷ. Từ đó đến nay, độ nổi tiếng của MV nguội dần, nhưng nó vẫn lặng lẽ bồi đắp số lượt xem để đến nay bất ngờ vọt lên 2 tỷ.
Cùng thời gian đó, tác giả của ca khúc không thấy xuất hiện, dần lui khỏi ánh đèn sân khấu và truyền thông. Đó không phải là lựa chọn của Psy. Anh không hề có ý định trở nên lặng lẽ như thế. MV tiếp theo của anh sau Gangnam Style là Gentleman cũng đạt vài trăm triệu lượt xem trên YouTube sau khi ra mắt cách đây 1 năm và cũng có vài video ăn theo, nhưng về ảnh hưởng thì không thể nào so sánh.
Psy đã cố quảng bá sản phẩm này, mang đi biểu diễn ở những chương trình truyền hình ăn khách như American Idol, Dancing With The Stars (Mỹ) hay Britain's Got Talent (Anh) nhưng không đạt hiệu ứng mong muốn.
Nam ca sĩ cũng không muốn mình trôi khỏi sự chú ý của khán giả. Hồi tháng 3, hãng đĩa YG (Hàn Quốc) tiết lộ thông tin anh sẽ hợp tác với rapper Mỹ Snoop Dogg và 2 nghệ sĩ Kpop cùng công ty là CL và G-Dragon. Cuối tháng 5, có thông tin xác nhận Psy sẽ ra album mới vào tháng 6 này.
Bất chấp những thông tin cập nhật, sự nghiệp của Psy vẫn bị mắc kẹt một cách không thể tránh khỏi. Tại sao? Bởi thành công của Gangnam Style được xây dựng dựa trên một nền tảng không vững chắc. Người ta thích thú Psy vì sự giễu nhại, gây cười, nhấn vào nét xấu xí, đôi khi hơi thô thiển. Đó vừa là điểm thu hút vừa là điểm yếu, vì muốn có danh tiếng vững chãi, nghệ sĩ không có cách nào khác là xây dựng nó dựa vào tài năng.
Psy ngay từ đầu đã đi lệch đường. Anh xây dựng mình như một hình tượng gây hài kích thích sự bắt chước, chứ không phải sự ngưỡng mộ. Người ta bắt chước anh và anh cũng bắt chước chính mình trong đoạn quảng cáo phát trong trận chung kết Super Bowl năm ngoái hay đoạn quảng cáo tủ lạnh của hãng Samsung sau đó.
Hình tượng gây hài cũng đẩy Psy vào thế khó. Album mới của anh đã thu âm xong vào tháng 12 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa thể phát hành do phải thảo luận về hình tượng và cách thức quảng bá.
Đại sứ du lịch kiêm gã hề Hàn Quốc
Hình tượng gây cười của Psy đã được khái quát hóa thành bộ mặt của Hàn Quốc ngày nay. Năm ngoái, anh được phong danh hiệu đại sứ du lịch Hàn Quốc, quay một loạt phim quảng cáo mang tên Wiki-Korea về các địa điểm ăn uống và thăm thú ở đất nước này. "Thông qua Psy, chúng tôi cố giới thiệu một mô hình văn hóa Hàn Quốc hiện đại và vui tươi” - Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cho biết.
Nhưng trong tư cách là đại sứ du lịch Hàn Quốc, Psy cũng phải đón nhận một danh hiệu không chính thức. Trong lối nghĩ phân biệt chủng tộc của một bộ phận người phương Tây, anh vẫn bị coi là gã hề châu Á, giống như William Hung hay Ken Jeong trước đây. |
Theo TT&VH