leftcenterrightdel
 Các chỉ số sinh hóa, dữ liệu tập luyện, thi đấu của VĐV được tổng hợp sẽ góp phần đánh giá mức độ phát triển của VĐV trong tương lai. Ảnh: TTXVN

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của cả xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.

Thực hiện Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) đã và đang hoàn thiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao”.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thạch Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, để triển khai đề án vẫn có những khó khăn, thách thức cần giải quyết.

Trong đó, về quản lý, đánh giá công tác phát triển thể dục thể thao tại các địa phương và quốc gia, ông Nguyễn Thạch Hưng chia sẻ: Tổng cục TDTT hiện nay chưa có những đánh giá cụ thể, định lượng về công tác phát triển TDTT tại từng địa phương và trên quy mô quốc gia. Các đánh giá hiện nay chủ yếu dựa trên các báo cáo rời rạc ở từng lĩnh vực cụ thể và môn thể thao cụ thể. Việc thống kê các số liệu này tương đối khó khăn và có độ trễ nhất định do đó ảnh hưởng lớn đến công tác hoạch định chính sách cũng như công tác quản lý nhà nước về TDTT.

Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán này bằng cách xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về phát triển TDTT. Hệ thống thông tin cho phép các địa phương cập nhật nhanh chóng, chính xác các số liệu báo cáo đồng thời giúp các cấp quản lý có cái nhìn tổng thể về công tác phát triển TDTT ở từng địa phương. Với các dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở khoa học, là tiền đề cho phép xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển thể dục thể thao phù hợp với từng địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia.

Với việc ứng dụng chuyển đổi số trong tuyển chọn, đào tạo VĐV, theo ông Nguyễn Thạch Hưng: Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thi đấu thể thao hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm định tính, ít dựa vào dữ liệu định lượng, gần như không có thông tin về các chỉ số sinh hóa, dữ liệu tập luyện, thi đấu của VĐV. Chỉ có số ít các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh… đang manh nha làm được việc này. Điều đó đã gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn VĐV khi thi đấu cũng như khả năng đánh giá mức độ phát triển của VĐV trong tương lai.

Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách có một nền tảng dữ liệu VĐV để họ biết và khai thác tốt nhất lợi thế mình có. Cơ quan nhà nước có thể căn cứ các dữ liệu thu thập được để có những đánh giá chính xác về tình trạng, chiều hướng phát triển của VĐV từ đó có những quyết định mang tính khách quan, khoa học.

Với chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao, đại diện của Tổng cục TDTT cũng chia sẻ: Việc quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao hiện nay mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, hầu hết công đoạn vẫn còn thực hiện thủ công gây nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, cập nhật, lưu trữ kết quả thi đấu. Hơn nữa dữ liệu liên quan đến quá trình thi đấu bị phân tán dẫn đến tình trạng thất lạc thông tin.

Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán này bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình quản lý, tổ chức thi đấu từ khâu đăng ký đến tổng hợp báo cáo kết quả thi đấu sau khi kết thúc giải đấu. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức thi đấu thể thao đồng thời phục vụ tốt hơn công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành TDTT.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao” cần bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn.

Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghệ số trong lĩnh vực TDTT phải góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện tích.

Theo VnExpress