(BVPL) - Chào mừng 58 năm ngày giải phóng Thủ đô, đông đảo người dân Thủ đô, những người yêu âm nhạc, từ các em thiếu nhi đến các cụ già ai cũng nhớ và dành sự trân trọng, yêu thương đối với một nhạc sỹ người Hà Nội - nhạc sĩ Phạm Tuyên, Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết sáng tác nhiều ca khúc hay nổi tiếng về Thủ đô.
Nhưng đó mới chỉ là những thứ có thể nhận diện được bên ngoài. Còn khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ, mới hiểu ông cũng chịu không ít biến cố, nhưng với ông, những biến cố đã được kìm nén lại để vượt lên, biến tất cả khó nhọc, khổ đau thành những khúc ca trong sáng. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng: “Động lực để tôi vượt lên tất cả chính là nhờ văn hóa gia đình”.
700 bài hát trong sự nghiệp sáng tác của ông – một khối lượng đồ sộ khiến mọi người nể phục vì tâm lực, trí lực của nhạc sĩ cống hiến cho lĩnh vực âm nhạc. Điều đáng nói là hầu hết các bài đều dễ hiểu, dễ hát, gần gũi với mọi đối tượng; thế nên nhiều tác phẩm có sức sống bền bỉ vượt thời gian. Lứa tuổi nhí thì có: “Trường của cháu là trường Mầm non”, “Chiếc đèn ông sao”, “Cô và mẹ”, “Tiến lên đoàn viên”; người lao động có: “Như đóa mai trắng”, “Ở vùng rau quê chúng tôi”; đề tài cách mạng có: “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hát tiếp bài ca Trường Sơn”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”; về Bác Hồ có bài: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Suối Lê-nin”…
Trong số này, tới 1/3 bài hát ông dành tặng thiếu nhi để “mang lại nhiều niềm vui mới cho tuổi thơ trên quê hương tươi đẹp của chúng ta”, nhạc sỹ nói. Cái tài của nhạc sĩ Phạm Tuyên là biết biến tất cả mọi vấn đề, đến cả những vấn đề tưởng chừng khó viết như lĩnh vực chính trị, cách mạng, thành những bài ca dễ hát, dễ đi vào lòng người.
Với mảnh đất nơi ông đã sinh ra và gắn bó đến tận cuối đời, nhạc sĩ dành không ít tình cảm, chuyển tải thành những bài hát, những ca từ rất chân thành. Trong căn gác nhỏ, ngồi nghe ông kể chuyện viết nhạc dưới mưa bom lửa đạn trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không mới hay, tinh thần lạc quan của người nhạc sĩ thật đáng nể. Đó là bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ” và “Hà Nội những đêm không ngủ” viết năm 1972 dưới căn hầm 58 Quán Sứ, cơ quan của Đài Tiếng nói Việt Nam trong bối cảnh giặc Mỹ đang đánh bom dữ dội tại Hà Nội. Đó là bản hùng ca về ý chí và hào khí của người Hà Nội trong trận chiến bảo vệ Thủ đô, cũng như niềm tin chiến thắng trước chiến dịch không kích Hà Nội bằng B52 của đế quốc Mỹ. Hay bài hát “Có một mùa thu Hà Nội” viết về cảm xúc của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô khi tiếp quản Hà Nội năm 1954, giữ đúng lời hứa: Ra đi hẹn ngày trở lại. Với Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng dành tặng khá lớn các ca khúc trong kho tài sản âm nhạc của ông.
Ngoài 80 tuổi, trong ông vẫn đầy nhiệt huyết nhưng cũng không ít trăn trở với nền âm nhạc nước nhà. Qua nhiều trải nghiệm trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng: “Tình cảm của người viết phải hòa nhịp với tình cảm nhân dân, như vậy mới có sự cộng hưởng trở lại”. Niềm vui lớn đối với nhạc sĩ là các bài hát của ông có chỗ đứng trong lòng nhân dân, từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ nông dân đến trí thức, từ người lao động đến người có vị trí trong xã hội đều hát với sự say sưa. Với những đóng góp của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã được vinh danh là công dân ưu tú Thủ đô năm 2011 và được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
TTVN