Thời gian qua, liên tiếp rộ lên thông tin nhiều người đẹp trong nước ra nước ngoài thi thố nhan sắc khi chưa được sự cho phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhiều mức phạt hành chính đã được đưa ra. Song, những hình phạt này dường như chỉ để cho có, khi phạt bữa trước, bữa sau các người đẹp lại xuất hiện ở một cuộc thi quốc tế nào đó. Xuất ngoại thi hoa hậu rồi về nước chịu phạt, nguyên nhân do đâu?

 


Tuy nhiên, ngoài những cuộc thi “chính quy” này, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc thi nhan sắc mang tính chất giải trí khác. Đặc biệt, không loại trừ các giải quốc tế nhưng lại dành riêng cho cộng đồng người Việt đang sinh sống ở các quốc gia. Với những sân chơi sắc đẹp vừa nêu, tôn chỉ cuộc thi có nhiều điểm khác biệt và thoáng hơn so với các cuộc thi “chính thống”. Đó là chưa kể một số giải hầu như tổ chức để bán vé thu tiền, hoặc quảng cáo thương hiệu, hoặc chỉ… cho vui. Các giải này đa phần do một cá nhân, hoặc một công ty nào đó đứng ra tổ chức. Với các trường hợp này, Cục Nghệ thuật biểu diễn “buộc” thí sinh phải có giấy phép e rằng khá gượng ép. Bởi người Việt hiện nay có mặt khắp thế giới, họ nảy ra ý tưởng về những cuộc thi như Hoa hậu thế giới người Việt tổ chức ở nước ngoài thì không lý do gì pháp luật Việt Nam lại đưa ra chế tài để cản trở người đẹp trong nước đi thi. Rõ ràng, quy định đó chỉ có phạm vi tác động tới riêng thí sinh trong nước, còn các thí sinh người Việt khác đang sinh sống tại nước ngoài, thì họ không nằm trong phạm vi thực hiện luật này. Và như vậy, đã tạo ra một sự bất công lớn.

Trao đổi với Huỳnh Thúy Anh, người vừa giành vương miện cuộc thi Hoa hậu cộng đồng người Việt được tổ chức tại San Jose (Mỹ), người đẹp này thẳng thắn cho biết: “Cùng là người Việt, các thí sinh gốc Việt khác trên khắp thế giới sau khi tham gia cuộc thi, không được giải cao nhưng vẫn vui vẻ ra về. Riêng em, mang văn hóa người Việt giao lưu với đồng bào Việt kiều và giành vương miện nhưng lại bị “khép tội” là đi thi chui, phải chịu nộp phạt”.

Là phụ nữ, khát vọng được vinh danh trên đấu trường nhan sắc, bất kể đó là cuộc thi nào là điều chính đáng và… có thật. Các doanh nghiệp lại muốn mượn cuộc thi nhan sắc để làm thương hiệu, điều này lại càng… rõ. Cung có, cầu có. Hẳn nhiên, theo quy luật cung cầu thông thường, các cuộc thi sắc đẹp sẽ diễn ra. Cấm thí sinh trong nước đi thi, hoặc ràng buộc bằng Điều 6, Quyết định 87/2008 rõ ràng bộc lộ sự khiên cưỡng.

Tâm sự với một người đẹp từng thi “chui”, PV được chia sẻ những câu chuyện rất thực. Người đẹp này cho biết, nhận lời mời đi thi quốc tế, ngoài được miễn phí toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở khách sạn 5 sao, đi du lịch, gặp gỡ nguyên thủ quốc gia để mở mang kiến thức, mối quan hệ thì… dại gì không đi. Đó là chưa kể, những giá trị thương hiệu vô hình cho cá nhân người đẹp cũng được “nâng tầm” theo. Dĩ nhiên, có một thực tế là không chỉ hoa hậu, hoa khôi “giải trí”, những người đẹp đạt vương miện ở các giải chính thống nếu không định hướng được các hoạt động xã hội, văn hóa nghệ thuật thì sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Người đẹp vừa đoạt vương miện Hoa hậu cộng đồng người Việt 2014 cho biết, bạn bè cô là hoa hậu ở các nước, quanh năm đăng ký thi hàng loạt giải từ nhỏ đến lớn. Họ còn được chính phủ tài trợ, tạo động lực rất lớn cho các thí sinh này. Hoàn toàn không có chuyện phải đăng ký, xin phép hay giành giải xong về chịu phạt như tại Việt Nam. Phải chăng, ở những nước đó, luật nhận định rất rõ những người đẹp này đang tham gia một hoạt động giải trí thông thường.

Điều các người đẹp bức xúc nhất là việc bị mang tiếng thi “chui”. “Trong lúc luật đang có những bất cập chưa được làm rõ, dư luận lại cho rằng việc tụi em thi hoa hậu “chui” là chưa đúng. Từ “chui” nghe rất nặng nề, giống như tụi em đang bị buộc tội vi phạm pháp luật. Trong khi đó, tụi em chỉ tham gia một hoạt động giải trí. Khi tụi em đi thi, Cục Nghệ thuật biểu diễn không hỗ trợ thì cũng không thể áp dụng luật và phạt như thế!” - người đẹp Thúy Anh nói.

Hỏi Thúy Anh về việc liệu cô có tiếp tục “mang chuông đi đánh xứ người”, cô cho rằng sẽ không đi thi nữa. Không phải sợ dư luận áp đặt là thi “chui”, cá nhân người đẹp này cho rằng đã có đủ sự trải nghiệm ở các cuộc thi nhan sắc. Điều cô mong mỏi là các quy định cần được đưa ra một cách chi tiết và công bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho các thế hệ sau. Nhất là, luật phải dựa trên nguyên tắc cởi mở và thông thoáng. Điều đó là vô cùng cần thiết, tạo cảm giác thoải mái cho người làm nghệ thuật. Như vậy, mới mong có những thành tích lớn hơn trong lĩnh vực thi nhan sắc.

“Em đam mê và luôn cháy hết mình với ước mơ và khát vọng của mình. Sẽ rất vui nếu các quy định không hạn chế, thậm chí cản trở những nguyện vọng chính đáng ấy” - người đẹp Thúy Anh tâm sự.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.