Khi thế giới đang theo xu hướng ghi âm bằng điện tử để tạo ra những bản nhạc “nổ tung” cả vũ trường, thì bộ đôi son trẻ nhạc sĩ Thanh Tâm, ca sĩ Hải Yến và ê kíp Flashgroup lại lọ mọ thu âm bằng cách đặt micro cho loa guitar, bass, keyboard. Tuy nhiên, thành quả của album “Hải Yến Live in Studio 2 - with Drumkit” lại mở ra nhiều điều bất ngờ...
 

 

Sau khi bản ghi âm thô đã xong, một chuyên gia kỹ thuật ghi âm người Hàn Quốc đã gợi ý Thanh Tâm nên thu thêm nhạc cụ piano cho âm thanh đầy đặn hơn. Tuy nhiên, khi nghe lại, Tâm đã hoàn toàn hài lòng với những gì mình đã tính toán về mặt hiệu ứng âm thanh, mà không cần phải thêm một nhạc cụ nào phụ trợ nữa.

 

Nói về phần âm nhạc, với chất liệu âm nhạc Blue, Country, Funk vốn rất khó chịu với thang âm ngữ điệu tiếng Việt. Cụ thể các bài hát do Thanh Tâm sáng tác trên chất liệu này khá chuẩn về ngữ âm, trong khi hai ca khúc của Phạm Toàn Thắng viết có phần cưỡng âm. Thế nhưng Hải Yến đã biết khéo léo xử lý cách nhả chữ làm cho những ca từ trong bài dễ nghe hơn.

 

Nếu xét về chủ đề như các CD thông thường, thì có lẽ những người nghe nhạc khó tính sẽ đặt dấu chẩm hỏi bởi nội dung các ca khúc không liên quan đến nhau. Thậm chí người cực đoan có thể cho rằng phần biên tập có vấn đề. Chẳng hạn ca khúc “The snail (ốc sên)” sẽ chẳng ăn nhập gì với “Xoay quanh một chữ tiền”, hay ca khúc “Hồ Xuân Hương” chẳng liên quan gì đến “Con ma mang tên cậu”. Bởi như Thanh Tâm chia sẻ, đây là album mang tính kỹ thuật. Nó có thể nghe tốt trên tất cả các hệ thống âm thanh từ xe hơi cho đến những chiếc loa vi tính hay tai nghe rẻ tiền. Người nghe có cảm giác một ban nhạc cùng Hải Yến đang biểu diễn ngay trước mặt mình.

 

Kết quả ghi âm “Live in studio” cho các nhạc cụ điện tử thành công lần này sẽ mở đường cho những dự án tiếp theo của Thanh Tâm và Hải Yến. Đặc biệt là dự án ghi âm các nhạc cụ dàn dây Big Band và mini liveshow trong thời gian sắp tới.

 

Theo NTD

.