Danh hiệu là sự ghi nhận cho tài năng và sự cống hiến cả đời của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu danh hiệu mà cách xét duyệt và phong tặng lại quá bất cập, lỗi thời, gây phản cảm với công chúng thì phải chăng nên mạnh dạn thay đổi hoặc từ bỏ?

Ngoài ra, quy định “phải làm đơn mới được xét” cũng khiến lòng tự trọng của nghệ sĩ bị tổn thương. Rất nhiều nghệ sĩ có thừa cống hiến trong nghệ thuật nhưng khi phải đi kể công để “xin” danh hiệu thì không phải ai cũng sẵn sàng. Cơ chế xin-cho này rõ ràng không được xác lập trên cơ sở tôn trọng người nghệ sĩ và nghề nghiệp của họ, khiến nhiều nghệ sĩ chán ngán.

Nghệ sĩ Hồng Nga từng chia sẻ nhiều lần bà được người trên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “yêu cầu” làm hồ sơ xét tuyển NSƯT. Bà cho biết: “Họ nói với những thành tích của tôi thì chỉ cần nộp hồ sơ lên là được xét ngay. Nhưng tôi nói nếu thấy nghệ sĩ nào xứng đáng thì Bộ cứ thống kê các giải thưởng cá nhân của nghệ sĩ đó, thấy đạt rồi thì công nhận, sao lại bắt nghệ sĩ phải đi xin?”. Tới nay, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn chưa được công nhận NSƯT, trong khi thế hệ đàn em, đàn cháu của bà như Hồng Vân, Minh Vương… đều đã lên NSND từ lâu.

Một vấn đề cũng cần thiết phải đặt ra, việc phong tặng các danh hiệu này là học theo cách của Liên Xô cũ. Hiện nay tất cả các nước trong hệ thống đã bỏ việc xét tặng danh hiệu. Vậy, nên chăng mạnh dạn bỏ việc xét tặng NSƯT và NSND? công trạng hay tài năng thì nên để chính “nhân dân” đánh giá? Trên thực tế, hiện nay nhiều nghệ sĩ nước ta đã không còn coi danh hiệu NSƯT, NSND là thước đo hay chuẩn mực để phấn đấu nữa. Đơn giản là nghệ sĩ khi được phong hiệu thì càng phải có sức ảnh hưởng lớn hơn, nhưng nhiều người mang danh NSƯT, NSND lại chẳng ai biết đến họ. Nếu tiếp tục tình trạng này, e rằng danh hiệu NSƯT hay NSND chẳng không còn ý nghĩa gì với sự phát triển của một nền nghệ thuật.

 

Theo Người tiêu dùng

.