Về Sóc Trăng ăn bánh ướt ngọt!
Cập nhật lúc 09:28, Thứ ba, 14/04/2015 (GMT+7)
Khác với cái bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) hay bánh cuốn ở Lạng Sơn, người dân Sóc Trăng thường hay làm bánh cuốn (bánh ướt) ngọt được cuốn với nhưn (nhân) đậu xanh và dừa. (bánh ướt ngọt, bánh ướt, Sóc Trăng, bánh ngọt dân dã)
Khác với cái bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) hay bánh cuốn ở Lạng Sơn, người dân Sóc Trăng thường hay làm bánh cuốn (bánh ướt) ngọt được cuốn với nhưn (nhân) đậu xanh và dừa.
Khi tráng bột bánh phải thật khéo sao cho lá bánh càng mỏng càng ngon bởi vì điểm đặc biệt nhất của bánh cuốn là mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ phía sau nên từng được ví là thứ bánh “gió thổi bay”. Bánh dày hay mỏng là tùy thuộc vào lượng bột cho vào và thao tác của người tráng, nếu quen tay bánh sẽ mỏng đều và có độ lớn nhất định. Tuy nhiên, nếu bột quá loãng, bánh làm ra dễ rách, nhưng nếu bánh khó tráng, dày là do bột quá đặc thì nên cho thêm nước. Và trong suốt quá trình tráng bánh nên giữ nồi nước ở trạng thái sôi để cung cấp đủ nhiệt độ cho quá trình tạo màng của tinh bột, vì vậy cần thường xuyên quan sát để bổ sung thêm nước vào nồi.
Khi bánh chín, dùng thanh tre lấy ra dĩa, sau mỗi lớp bánh còn ướt nóng hổi vừa ngả xuống, phải nhanh tay rắc một lớp đậu xanh và dừa vào rồi gấp hai mí bánh bên cạnh vào để bịt kín hai đầu bánh và cuộn tròn bánh cho đến hết. Có lẽ vì vậy mà dân gian người gọi là bánh ướt, người khác kêu bánh cuốn cũng không sai. Bánh được sắp lên dĩa, rắc thêm mè và đậu phộng rang vàng giã nhỏ lên khắp bề mặt bánh để tăng thêm hương vị cho bánh.
Bánh cuốn ngọt có vị ngọt vừa của đường, vị béo của dừa, bùi của đậu mùi thơm của bột, của lá dứa và các thành phần bên trong, khi ăn cảm nhận được cái dai, cái dòn của vỏ bánh. Bánh cuốn được xem là một món ăn thanh đạm nhưng không kém phần hấp dẫn so với các loại bánh ngọt dân dã khác.
Theo Dân Việt
.