Lai Châu có rất nhiều món đặc sản nghe có vẻ kì lạ nhưng kì thực rất tốt cho sức khỏe như xôi tím, măng nộm hoa ban hay rêu nướng, nộm rau dớn,...
 
Rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc và nó trở nên đặc biệt hơn trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái. Để có được những món rêu ngon đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, trước tiên cần vớt rêu cho vào rổ, giặt qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt  rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì rêu mới sạch được như ý.
 
Rêu đá khi đã qua sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào mềm và mát. Qua những bước sơ chế cơ bản, rêu được chế biến thành nhiều món khác nhau như canh rêu đá, rêu nướng và rêu xào lá tỏi.
 
Rêu nộm thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén, nếu thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.
 
Để làm món rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng. Khi vùi than cần phủ đều để giữ sao cho rêu chín đều mà không bị cháy.
 
Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá. Mùi thơm của gia vị cùng mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, trông giống như tảo biển, mềm, ngậy ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu đá vùi than thường xuyên giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
 
Theo Dân Việt
 
.