Nấm mối
|
|
Nấm mối được mệnh danh là đặc sản tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Theo kinh nghiệm dân gian, loài nấm này thường mọc tự nhiên ở những nơi có thời tiết và môi trường thích hợp, đặc biệt như ở Bến Tre, Vĩnh Long… Nấm mối thường mọc ở vùng đất đỏ bazan, nơi có các tổ mối. Loại nấm này không thể trồng hay nhân giống, chỉ mọc mỗi năm một lần duy nhất vào mùa mưa.
Đặc biệt, nấm chỉ nhú vào tầm 3-4 giờ sáng và thường được thu hoạch khi mặt trời chưa lên. Nấm bắt ánh đèn nên người dân thường vào rừng tìm kiếm vào ban đêm. Đến trưa, nếu không hái kịp thì nấm sẽ tàn, con mối bò lên ăn đục thân. Nấm mối không phải lúc nào cũng có. Chỉ cần trái gió trở trời hay gặp một cơn mưa bất chợt là chúng sẽ không chịu xuất hiện. Những người đi hái nấm cho biết, loại nấm này thường mọc tập trung ở không gian nhỏ cạnh các tổ mối nên người đi hái thường gọi là “ổ”. Mỗi ổ nấm có thể hái được 0,5-1,5 kg.
Vì khó tìm và khó hái nên giá nấm thường rất cao. Vào đầu mùa, giá mua tại vườn trung bình 200.000- 500.000 đồng/kg. Khi xuất lên thành phố hoặc mang ra nước ngoài, giá nấm được đẩy lên cao nhất, có khi đến một triệu đồng mỗi ký. Mặc dù giá cao chót vót nhưng nấm vẫn không đủ hàng cung cấp cho thực khách.
Có thể nói, trên đời này không có loại nấm nào ngon hơn nấm mối. Dù là nấu canh, nấu cháo, xào, kho hay nướng, nấm mối vẫn đứng vào đầu bảng. Trong đó, hấp dẫn nhất là làm nhân bánh xèo hoặc ướp muối ớt rồi quấn lá cách, lá lớp hoặc lá chuối nướng. Món ăn vừa giòn, vừa thơm ngon, đậm đà, không có một thứ nấm nào sánh kịp.
Cá bu đá
|
|
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Cá bu đá có hình dạng khá xấu xí , màu sắc vằn vện, thịt có vị hơi đắng nhẫn. Thân cá bu đá mỏng dẹp, lưng có màu vằn vện với sọc ngang dọc. dưới bụng có màu trắng hơi hồng. Có lẽ, chính hương vị này đã mang lại cảm giác vô cùng lạ với những ai lần đầu thưởng thức loại cá này.
"Gọi là cá bu đá vì loài cá này bám (bu) vào đá để ăn rong rêu", người miền núi Quảng Ngãi giải thích. Khi trưởng thành thường chỉ bằng ngón tay người lớn, cá bu đá sống ở những đoạn suối nước chảy khá mạnh.
Chính vì hương vị đặc trưng hấp dẫn mà khi bắt được loài cá này, người dân không muốn đem bán mà chỉ dùng đãi khách quý hoặc đem ra thưởng thức trong những dịp quan trọng.
Nòng nọc
|
|
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Đây không chỉ là món nhậu khoái khẩu của các quý ông mà còn là thực phẩm siêu bổ dưỡng dành cho phụ nữ sau sinh.
Sau những cơn mưa lớn đầu mùa, ếch, nhái, cóc sinh sống ở nhiều con suối trên núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sinh sản ra nòng nọc. Đó cũng là lúc người dân Xê Đăng vào mùa đi “săn” loại ấu trùng béo tròn, tươi ngon để chế biến thành các món ăn bổ dưỡng.
Một vài năm trở lại đây, không chỉ riêng tại tỉnh Quảng Nam mà ở nhiều vùng miền, nòng nọc cũng là một trong những đặc sản được săn lùng nhiều nhất. Thế nhưng, nòng nọc trú ẩn ở những khe suối, hốc đá trên núi Ngọc Linh vẫn được ưa chuộng hơn cả.
Để bắt được nòng nọc, người Xê Đăng thường đi vào lúc đêm xuống, thời điểm này cả đàn nòng nọc kéo nhau đi ăn đêm. Khi phát hiện nơi có nòng nọc trú ẩn, người ta bới đất đá cho nước cạn bớt đi, sau đó dùng tay hoặc chiếc vợt có mắt lưới nhỏ để bắt.
Nòng nọc không sống được lâu nên sau khi bắt về, người dân thường làm sạch ngay. Nòng nọc có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh với rau rừng, ướp với sả, ớt rồi xào, nướng…
Nhưng người dân Xê Đăng nấu món ăn này khá đơn giản, chỉ đun sôi nước rồi thả nòng nọc vào và nêm nếm gia vị vừa ăn. Cách nấu này sẽ giúp nòng nọc giữ được vị tươi ngon, không bị trộn lẫn với bất cứ thứ mùi nào khác.
Chính bởi ưu điểm của đặc sản siêu sạch, siêu bổ dưỡng này mà nòng nọc được bán với giá khá cao. Thậm chí, kể cả khi có tiền cũng khó lòng mua được bởi người dân nơi đây thường mang nòng nọc về nhà ăn hoặc thết đãi khách quý.
Cá kho làng Vũ Đại
|
|
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Cá kho làng Vũ Đại luôn nằm trong danh sách những đặc sản được săn lùng nhiều nhất dịp Tết nguyên đán. Người ta thích món này bởi ít ngấy hơn thịt, giò chả, bánh chưng... Bên cạnh đó, cá kho làng Vũ Đại còn có hương vị rất riêng và độ ngon thì chẳng chê vào đâu được.
Để có một niêu cá kho ngon, người dân làng Vũ Đại sử dụng niêu đất và chỉ dùng cá trắm đen có trọng lượng từ 3kg trở lên, thịt săn chắc và thớ cá đẹp. Cá được ướp kĩ, kho bằng củi trong thời gian 12-15 tiếng đồng hồ. Đến khi ra thành phẩm, những khúc cá chắc và có vị ngọt, thơm hài hoà.
Tiếng lành đồn xa, nên dù bạn có trả tiền triệu vẫn chẳng thể mua được cá nếu đặt muộn. Lý do là bởi cá phải được kho kỹ mới đảm bảo độ ngon. Thêm nữa, cá kho làng Vũ Đại còn được bán đi khắp cả nước và sang cả nước ngoài nên không có nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Gà chín cựa
|
|
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet |
Gà chín cựa hay gà nhiều cựa là tên gọi chỉ về một giống gà tại Việt Nam với đặc trưng là có nhiều cựa. Loại gà này được nuôi xã Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn và vùng Thanh Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn của Phú Thọ. Gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh như là một sính lễ mà Vua Hùng đòi hỏi để cầu hôn nàng Mỵ Nương cùng với voi chín ngà và ngựa chín hồng mao. Việc nuôi loại gà này cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, số lượng gà chín cựa rất ít và thường chỉ nuôi để tiến vua. Ngày nay, đây cũng là một loại gà quý hiếm, không dễ gì kiếm được. Nếu là gà đủ 9 cựa, giá bán có thể lên đến 7 – 10 triệu đồng/ con. Thịt gà ngon, các thớ thịt săn chắc, ăn ngọt và thơm khác xa với gà thường.
Giống gà chín cựa có kích cỡ nhỏ. Mào gà đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Giống gà này còn có đôi mắt sáng quắc và khá hiếu chiến.
Theo VnExpress.net